ĐÔNG DU 10/2018
(Tokyo, Kyoto, Nara, Osaka, Seoul)
Ghi vội qua một chuyến Đông Du
1. Nhật Bản, đất nước của những nghịch lý
- Người già. Thành phần những người già từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng một phần tư dân số Nhật Bản, tạo nên một gánh nặng cho hệ thống tài chánh và kỹ nghệ bán lẽ của Nhật Bản. Đó là mối hiểm họa của một nền văn minh chưa giàu đã già. Một trong những yếu tố khiến tỉ lệ người già quá lớn như thế là do tuổi thọ trung bình của người Nhật rất cao: 83.98 tuổi (so với 78.69 ở Hoa kỳ và 68.56 ở Ấn Độ, chẳng hạn). Chính thức mà nói, người già được kính trọng ở Nhật. Nhật Bản thậm chí còn có một ngày quốc lễ mệnh danh là “Respect for the Aged Day” (Ngày Vinh Danh Người Già). Nhưng những năm gần đây, một xu thế bất ngờ đang xuất hiện: một số lượng lớn lao người già ở Nhật đang cố tình phạm những tội thường phạm để bị bắt và sống những ngày còn lại trong tù. Theo Bloomberg, những trường hợp khiếu tố và bắt bớ dinh líu đến người già ở Nhật đang vượt xa các thành phần dân số khác ở Nhật - tỉ lệ phạm pháp của người già đã tăng gấp bốn lần trong vài thập niên gần đây. Trong các nhà tù, số người già chiếm đến 1/5; và trong nhiều trường hợp, các bà già chiếm tỉ lệ 9/10. Tội điển hình đưa họ vào tù là tội ăn cắp ở các cửa hàng (shoplifting). Hiện tượng bất thường nầy bắt nguồn từ những khó khăn trong việc chăm sóc người già ở Nhật. Con số những người già sống một mình đã tăng 600% giữa năm 1985 và 2015. Một nửa số người bị bắt về tội ăn cắp ở các cửa hàng được báo cáo sống một mình, và 40% trong số họ nói rằng họ không có gia đình hoặc có nhưng ít khi tiếp xúc với gia đình của họ. Đối với những người già nầy, đời sống trong tù tỏ ra khả quan hơn ở ngoài. Có thể họ có nhà, có gia đình, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có được một nơi mà họ cảm thấy là nhà. Nhật Bản phải tốn hơn $20,000 dollars mỗi năm để giam giữ một tù nhân; và đối với những tù nhân già, con số đó còn cao hơn nữa với chăm sóc và nhu cầu y tế đặc biệt. Nhân viên nhà tù càng ngày càng thấy có bổn phận như nhân viên dưỡng lão. Các tù nhân người già cảm thấy đôi chút tình cảm cộng đồng trong tù, một cảm thức mà họ không bao giờ có ở bên ngoài xã hội. Họ thích sống trong tù hơn, vì có nhiều người bên cạnh và không cảm thấy cô đơn như bên ngoài. Ho tuyên bố, nếu được trả tự do đi nữa thì họ cũng sẽ tìm cách vào tù trở lại vì họ nhớ nhà tù như nhớ quê hương. Vấn đề cố tình bị bắt để vào tù không nhất thiết chỉ ở Nhật Bản mới có. Ở Hoa Kỳ, chẳng hạn, có những trường hợp người ta cố tình bị bắt để có được chăm sóc y tế, tránh những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hay tự cưỡng bách cai nghiện, v.v... Nhưng mức độ vấn đề ở Nhật đang báo động giới hữu trách. Chính Phủ Nhật đang đối phó với vấn đề tội phạm người già bằng cách cải thiện hệ thống an sinh xã hội và các chương trình dịch vụ xã hội nói chung; nhưng làn sóng tội phạm người già không có vẻ chấm dứt sớm. Đời sống trong tù chẳng dễ dàng gì, nhưng, đối với một số người già, đời sống bên ngoài càng tệ hại hơn.
- Môi trường sống. Bên cạnh những hệ thống xa lộ khang trang rộng lớn và những đại lộ thênh thang lộng lẫy, không ít những con phố hẹp chỉ vừa cho một chiếc xe đi. Đa số những con phố nầy đều là một chiều, nhưng cũng có những con phố hẹp hai chiều không lằn ranh và dùng chung cho xe đủ loại và người đi bộ. Nhưng dù chật hẹp đến đâu đi nữa thì hầu như mọi đường phố của Nhật đều tráng nhựa hay lát gạch rất thẩm mỹ và tuyệt đối sạch sẽ.
- Hành xử. Hầu hết mọi người trong chúng tôi đều nghĩ người Nhật là một dân tộc thân thiện và lịch lãm, vì trong phần lớn thời gian lưu lại ở Tokyo, Kyoto, và Osaka, chúng tôi được đối xử lịch sự và nhã nhặn. Tuy nhiên, vào ngày cuối, sau một ngày đi ngắm cảnh, chúng tôi gọi một xe taxi về nhà. Tài xế là một người tương đối lớn tuổi và, ngạc nhiên thay, ông ta có vẻ cộc cằn và gay gắt khác hẳn những tài xế mà chúng tôi đã gặp trước đó. Ông ta cáu kỉnh với hai đứa cháu ngoại của tôi và vùng vằn khi xác định địa chỉ. Nhưng rồi mọi chuyện bình thường trở lại và chúng tôi để ông chở đi. Như mọi khi, trong khi xe chạy, hai đứa cháu ngoại của tôi lại đùa nghịch và liên tục đối đáp với nhau bằng tiếng Anh. Bấy giờ người tài xế hỏi lớn, "ENGLISHA?" Có lẽ khi nghe hai đứa nhỏ nói tiếng Anh, ông hỏi chúng tôi có phải người Mỹ hay không. Không rõ chi tiết đó có tác dụng gì không nhưng cử chỉ và lời nói của ông ta từ đó thay đổi hẳn và "văn minh" ra hẳn. Có thể hai đứa cháu ngoại đã giúp minh định nguồn gốc của chúng tôi. Biết đâu, nếu không nghe chúng nói tiếng Anh, người tài xế có thể nghĩ chúng tôi là người Việt từ Việt Nam, hay, thậm chí tai hại hơn, người Tàu từ Trung Quốc?
2. Số phận Nam Hàn. Chúng tôi đến Hán thành đúng ngày xảy ra cuộc tuần hành chống chính sách hòa hoãn của Tổng Thống Moon Jae-in với Bắc Hàn. Không ai rõ đây có phải là một cuộc tuần hành tự phát của người dân Nam Hàn hay do một thế lực nào đó bên ngoài thao túng, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Đoàn người biểu tình trương là cờ Mỹ bên cạnh lá cờ Nam Hàn. Ngoài ra khoảng 10 người sắp hàng ngang kênh đi một lá cờ Mỹ khác rộng gần bằng chiều ngang của đại lộ mà họ đang diễn hành. Cảnh sát có toán tay không, có toán cầm dùi cui, nhưng chỉ sắp hàng dọc đi trên lề đường và hình như chỉ bôn tẩu về một địa điểm nào đó chứ chẳng can thiệp hay quan tâm đến đoàn biếu tình. Người ta cũng nhận thấy một toàn biểu tình trương biểu ngữ có hình của cựu tổng thống bị truất phế Park Geun-hye. Đài VOA tiếng Anh cho đây là Pro-American Rally in South Korea Denounces North Korea Appeasement (Tuần Hành Thân Mỹ ở Nam Hàn tố cáo việc hòa hoãn với Bắc Hàn). Tuy nhiên không ai rõ có khác biệt nào giữa chính sách của TT Donald Trump và TT Moon Jae-in. Người ta chỉ ghi nhận, gần đây, ông Moon Jae-in hành xử tổng thống của một quốc gia thực sự độc lập, đơn phương nói chuyện với Kim Jong Un và có vẻ không quan tâm đến những tính toán của Bắc Kinh và Washington liên quan đến viễn tượng một Triều Tiên thống nhất. Thống nhất là lý tưởng của các quốc gia nhược tiểu bị chia cắt nhưng là ác mộng của các chủ nghĩa bá quyền. Nếu thống nhất để có được tự do dân chủ thì ai chẳng mơ ước; nhưng nếu thống nhất để cả nước nằm dưới sự cai trị của cộng sản như Việt Nam hiện nay thì tốt hơn phần ai nấy ở để may ra có chút lãnh thổ và không gian để hưởng đôi chút tự do, bồi dưỡng trí tuệ và linh hồn cho mình và cho con cháu.