Thi Ca Cận Đại Hoa Kỳ

Robert Frost

(1874 - 1963)

“John F. Kennedy nói về Robert Frost: ‘Ông đã cống hiến cho xứ sở chúng ta một tài sản thi ca bất diệt mà người Mỹ sẽ có được để thưởng lảm và tìm hiểu.’ Bốn lần đoạt giải Pulitzer về thơ, Rrobert Frost đã sáng tạo một ngôn ngữ thi ca mới có được một âm hưởng thăm thẳm vượt thời gian… Trong thơ của Robert Frost, những hình ảnh vả chủ đề được xoắn xuýt vào nhau thành một biểu mẫu phức tạp của những tư tưởng và nhận định hàm súc khiến người đọc phải trầm tư.  Không mấy ngạc nhiên khi ngày nay ông được xem như một khuôn mặt trọng tâm trong quá trình phát triển thi ca Hoa Kỳ và là một trong những thi hào được mến mộ nhất của nước Mỹ. – Gramercy Great Poets

 

[Ngoại trừ lời bình của Đông Yên ở phần cuối, phần lớn nội dung bên dưới dựa theo Michael Meyer trong "The Bedford Introduction to Literature"]

 

Cuộc Đời và Sự Nghiệp

Ít có nhà thơ nào có được sự thành công phổ biến mà Robert Frost đã có trong lúc sinh thời, và không có nhà thơ Mỹ nào thuộc thế kỷ hai mươi có được những bài thơ được đọc và tôn vinh phổ cập như thế. Frost được liên kết với New England không khác nào những bức tường bằng đá được liên kết với địa danh nầy vì là biểu trưng cho địa hình của nó.  Tuy nhiên, danh tiếng của ông vượt lên những giới hạn địa dư đó.  Việc Frost được nhìn nhận như một nhà thơ là điều đặc biệt đáng lưu ý, vì sự nghiệp văn chương của ông không gây được chú ý nào quan trọng cho mãi đến khi ông gần bốn mươi tuổi.  Ông tự học làm thơ trong khi kiếm sống bằng những nghề tạm bợ, dạy học, hay làm nông.  Tên tuổi ban đầu của Frost dường như không liên quan gì đến vùng đất New England.  Mặc dù cha mẹ ông phát xuất từ nhiều thế hệ gốc New England, chính ông lại được sinh ra tại San Francisco và được đặt tên là Robert Lee Frost, ghép họ và tên Robert E. Lee, một vị tướng lảnh Miền Nam trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ. Sau khi cha ông chết năm 1885, mẹ ông chuyển gia đình về lại Massachussets để sống với họ hàng.  Frost tốt nghiệp trung học được xếp hàng đầu chung với người bạn gái cùng lớp, và sau nầy là vợ của ông.  Trong khoảng thời gian từ khi tốt nghiệp trung học đến khi lập gia đình, ông theo học tại Đại Học Dartmouth College một vài tháng và sau đó đi dạy.  Nghề dạy thôi thúc ông ghi danh tại Đại Học Harvard năm 1897, nhưng sau không đầy hai năm ông thôi học mà không có một bằng cấp nào.  Harvard cuối cùng cấp cho ông một văn bằng Tiến Sỉ Danh Dự năm 1937.  Bốn năm sau Đại Học Dartmouth cũng cấp văn bằng danh dự cho ông.  Trong thập niên tiếp theo, ông đọc thơ và làm thơ khi không còn làm nghề nuôi gà và dạy học.  Năm 1912, ông bán trại gà và di chuyển gia đình sang Anh Quốc, nơi ông hi vọng có được thính giả cho những tác phẩm của ông, số thính giả mà ông không có được ở Hoa Kỳ.  Ba năm tại Anh đủ giúp Frost trở về Mỹ trong tư thế một nhà thơ.  Hai tập thơ đầu tiên của ông, A boy’s Will (1913) và North of Boston (1914), được xuất bản tại Anh.  Trong hai mươi năm tiếp theo, ông nhận được những giải thưởng và ban khen cho những tuyển tập như Mountain Interval (1916), New Hampshire (1923), West-Running Brook (1928), và A Further Range (1936).  Những tuyển tập sau gồm có A Witness Tree (1942), A Masque of Reason (1945), Steeple Bush (1947), A Masque of Mercy (1947), Complete Poems (1949), và In the Clearing (1962).  Ngoài việc xuất bản các tập thơ của ông, Frost được thính giả khắp nước mến mộ qua lối trình bày thi ca của ông dưới dạng gần như hội thoại.  Ông cũng dạy tại một số đại học, trong đó có Amherst College, Đại Học Michigan, Đại Học Harvard, Đại Học Dartmouth, và Đại Học Middlebury.

 

 

Thi Ca và Con Người

Tầm phổ biến thi ca của Frost đã khiến số thính giả rộng lớn xem ông như là thi sỷ của họ. Hình ảnh mà ông tạo dựng nên rất giống với những gì mà độc giả muốn một nhà thơ phải có.  Frost được nhìn như một lảo thành thông thái đáng yêu; sự thông thái dung dị và những lời nói bình dân của ông tỏ ra hài hòa thân thiện.  Đương nhiên có một sự dung dị nào đó trong ngôn ngữ của Frost, nhưng sự dung dị đó không phản ảnh hoàn toàn chiều sâu của con người, sự phức tạp của những chủ đề, hay sự phong phú trong nghệ thuật của ông.  Con người lạc quan bình dị phía sau bục giảng không tiết lộ cho công chúng những rối rắm trong đời tư của mình, mặc dù ông có đề cập đến những vấn đề đó tại bàn viết của ông.  Frost từng kinh qua những ganh tỵ nghề nghiệp , giận dữ, và khủng hoảng.  Đời sống gia đình của ông vẩn đục với đau thương và mất mát.  Năm 1885 khi Frost mới mười một tuổi, cha ông chết vì bệnh lao, để lại gia đình vỏn vẹn 8 Mỹ Kim.  Mẹ ông chết vì ung thư năm 1900.  Năm 1920, Frost phải đưa người em gái  Jeanie vào bệnh viện thần kinh, nơi bà qua đời chín năm sau đó.  Bệnh tâm thần rõ ràng là chứng bệnh di truyền trong gia đình của Frost, vì cả ông và mẹ của ông đều mắc bệnh suy trầm, và người con gái của ông Irma phải vào bệnh viện thần kinh năm 1947.  Vợ ông, Elinor,  cũng mắc chứng suy trầm. Elinor và Frost có sáu người con: con trai Elliot chết vì bệnh thổ tả lúc 8 tuổi; con gái Lesley Frost Ballantine (1899–1983); con trai Carol chết vì tự tử lúc 38 tuổi; con gái Irma (1903–1967); con gái Marjorie (1905–1934), chết vì nhiểm khuẩn huyết hậu sản; và con gái Elinor Bettina, chết sau khi sinh ra được ba ngày.  Chĩ có Lesley và Irma còn sống sau khi bố mẹ qua đời.  Vợ Frost vốn bị bệnh tim cả đời lại mắc bệnh ung thư vú năm 1937, và chết vì đứng tim năm 1938.  Đời sống vợ chồng của ông bị đong đầy căng thẳng.  Mặc dù thi ca của Frost được chan hòa ánh nắng, tuyết, cây trái, và chim muông, điều quan trọng cần nhận thức rằng ông cũng là một bạn đường bất hạnh của bóng đêm.  Nhà phê bình văn học Lionel Trilling mô tả thế giới mà Frost tạo dựng trong thơ của ông như một vũ trụ kinh hoàng đượm sắc cô đơn, phiền muộn, thất vọng, hoài nghi, chán chường, và ngay cả tuyệt vọng.  Nêu lên điểm này không triệt tiêu sự hòa điệu êm ả và ngay cả sự vui thú hồn nhiên có thể thưởng thức trong thi ca của Frost; nhưng phải nói rằng không gian tâm hồn của Frost không phải là thứ không gian một chiều như có lần người ta giả định.  Thơ của Frost đòi hỏi những độc giả tinh anh và có thiện chí đột phá sự dung dị trong ngôn ngữ và nhận thức được những ý nghĩa lẩn quất mơ hồ nằm bên dưới. Quan điểm của Frost về thiên nhiên giúp giải thích những trình độ khác nhau về ý nghĩa trong thơ của ông.  Thế giới thiên nhiên quen thuộc mà thi ca ông gợi ra được mô tả một cách chi tiết.  Chúng ta nghe tiếng chuyển mình lách cách của những cành cây tuyết phủ, chúng ta thấy những thân cây bu lô trắng bệch.  Những yếu tố thiên nhiên mà Frost mô tả được dựng lên để mang đến cảm thức êm ả hài hòa, nhưng chúng cũng thường được tính toán để kích thích trầm tư.  Sự vận dụng thiên nhiên của ông có khuynh hướng biểu tượng.  Những ý nghĩa phức tạp được diển dịch từ  những sự kiện đơn giản, như một con nhện giết một con bướm đêm hay một con mối trên tờ giấy.  Mặc dù chiến thuật của Frost là nói về những biến cố và kinh nghiệm cá nhân, thơ của ông lại gợi lên những vấn đề phổ quát.  Thơ của Frost mang nặng sắc thái địa phương và chủ yếu liên quan đến những sự vật đồng quê, nhưng nó vô cùng gợi hình trong tưởng tượng của bất kỳ ai, vì, nếu phân tích cho cùng, thi ca đó liên quan đến con người.  Bối cảnh New England chĩ là cơ hội đúng hơn là chủ đích tối hậu trong thi ca của ông.  Tương tự như những giọng nói đồng quê mà ông tạo trong thơ, Frost chủ yếu xây dựng các chủ đề của ông một cách gián tiếp.  Ông đã từng nói rằng thi ca cung ứng một phương thức để nêu ra một điều nhưng lại muốn nói đến một điều khác.  Kết quả là những khung cảnh, nhân vật, và hoàn cảnh dựng lên chủ đề trong thơ của Frost  là những phương tiện truyền tải cho những tri giác của ông về đời sống.

 

"Tuổi thọ  của một người có thể tăng lên và cũng có thể giảm xuống sau khi đọc một áng thơ nào đó của một thi hào nào đó.  Một trong những thi hào đó là Robert Frost." - Đông Yên