MỘT CHUYẾN RA BIỂN CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT TRÊN MẶT BIỂN VÀ RẢI TRO
Kiều Mỹ Duyên
Thứ bảy ngày 18/8/2018, tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng. Nhiều người ở xa thức dậy sớm hơn. 6 giờ chuẩn bị đến chùa. 7 giờ sáng ra đến Newport Beach, chuẩn bị ra khơi. Điện thoại của Hoà Thượng viện chủ của chùa Bảo Quang reo không ngừng nghỉ. Người thì hỏi đường, người thì yêu cầu Hoà Thượng chờ một chút. Phật tử trên đường đến chùa để cùng đi. 15 năm trước tôi cùng đi với phái đoàn của chùa Bảo Quang ra biển. Lần này tôi cũng đi thật sớm. Chiếc du thuyền có 2 tầng: tầng dưới có quầy hàng cà phê, tầng trên Hoà Thượng trang bày hình Phật. Có một bàn dài để khăn trắng, trái cây, thức ăn như bánh tráng, và bắp rang. Phật tử nào có thân nhân qua đời thì mang theo hoa, hũ tro để sau khi Hoà Thượng cầu nguyện thì sẽ rải tro ra biển. Hòa Thượng Quảng Thanh cho biết đây là chuyến đi thứ 24. Mục đích cầu nguyện cho đồng bào chết trên mặt biển trên đường tìm Tự Do. Hoà Thượng thỉnh những vong linh chưa siêu thoát thì về chùa Bảo Quang để nghe kinh. Sau khi Hoà Thượng Quảng Thanh, Hoà Thượng Kim Đài, Thượng Toạ Minh An, Đại Đức Huệ Minh, và Đại Đức Tuệ Đạt tụng kinh va cầu nguyện. Các Phật tử có thân nhân đem theo tro của thân nhân mình xuống tầng tàu thứ nhất với sự hướng dẫn của Hoà Thượng viện chủ. Từng bình tro để trong cái giỏ. Sau khi tro được rải xuống biển, thì cái giỏ được đem trở về. Khuôn mặt của các đệ tử có thân nhân được thuỷ táng vô cùng xúc động. Bà Minh Tâm đến từ Ventura tâm sự:
- Ngày xưa tôi ở Houston, sau đó tôi dọn về Cali vì con tôi có việc làm ở đây. Tôi hưu trí đi theo con để chăm sóc cháu nội. Tôi là con một, ngày xưa ba tôi thương con trai của tôi lắm. Hôm nay tôi đi rải tro của ba má tôi. Ba Má tôi sống trên 100 tuổi mới qua đời. Con trai tôi tình nguyện đi theo.
Bà Minh Tâm nói với giọng ngậm ngùi thương tiếc. Ngày xưa con trai tôi vừa ra trường được về Cal làm việc cho chánh phủ, tôi khóc quá, vì tôi không nỡ xa con. Thời ba má tôi còn sống thương cháu ngoại lắm vì tôi là con một. Bà Minh Tâm ngồi một mình lưng tựa vào tường. Con trai đứng ở boong tàu ngắm nhìn trời mây đất nước. Có người nằm dưới đất ngủ mặc cho thuyền có lúc lắc lư theo ngọn sóng.
Mỗi người mỗi khác, có người không chịu được sóng, ói mửa, nhưng đa số vẫn bình tĩnh. Thầy Quảng Thanh làm nhiều bài thơ, những bài thơ đã được phổ nhạc. Thầy cho biết chỉ có người vượt biển bằng thuyền mới thông cảm nỗi khổ của người vượt biển ở giữa sự sống và cái chết mới thông cảm với nhau. Đang chuẩn bị máy chụp hình, tôi nghe tiếng gọi dưới cầu thang:
- Cô Kiều Mỹ Duyên, cô Kiều Mỹ Duyên!
Tôi chưa biết ai nhưng nghe tiếng gọi mừng rỡ, tự nhiên tôi cảm thấy ấm lòng.
- Con là Khánh Vân nè!
Cô gái trẻ ăn mặc đẹp nụ cười tươi như hoa, cô nói
- Đây là chị con, hai em của con và con của con.
Khánh Vân là con gái của cố Đại Tá Ngô văn Lợi, tỉnh trưởng Quảng Ngãi. Trong lúc miền Trung chiến tranh đến hồi khốc liệt, vừa du học trở về một ngày thì ngày hôm sau tôi xin máy bay quân đội đến miền Trung. Dừng chân ở Đà Nẵng, sau đó đi đường bộ đến Quảng Ngãi. Ban ngày đến các đơn vị địa đầu giới tuyến, buổi chiều về thành phố. Có một lần chánh án Cường (sau này anh và gia đình vượt biên mất tích ở biển cả), Biện Lý Trọng,(đang ở Stanton, quận Cam) và Đại Tá Lợi cũng đi ăn cơm. Trong bữa cơm, Đại Tá Lợi là người ít nói nhất. Cho đến năm rồi tôi nghe tin ông mất tôi gọi điện thoại chia buồn thì gặp cô Khánh Vân. Cô rất lịch thiệp, nói năng lễ độ. Cho đến hôm nay, khi đưa tro của Đại Tá rải trên biển NewPort Beach, tôi ngậm ngùi cầu nguyện cho ông sống khôn thác linh, phù hộ cho đất nước được bảo toàn. Vì từ Hoàng Sa, Trường Sa đi vào tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 50 hải lý. Người trong nước và ngoài nước đều lo sợ dân tộc mình bị làm nô lệ. Ông bà mình phải chịu xâm lăng 1000 năm đô hộ giặc Tàu.
Đa số những gia đình rắc tro hôm nay đều đi đông người. Dược sĩ Xuân Lan đến từ Azuza, hai vợ chồng đến chùa thật sớm. Trong các bà siêng năng, có cô Bảy Thương, một trong những chủ nhân của trung Tâm Asia ngày xưa làm công quả ở chùa nhiều năm liên tục. Dù là một thương gia thành công, chủ nhân của tiệm SEVEN ELEVEN. Những ngày cuối tuần hay ngày lễ thì ở chùa, những Phật tử nấu bếp của chùa Bảo Quang nấu rất ngon, nếu mở nhà hàng chắc chắn khách ăn chay sẽ đến đông lắm. Dược sĩ Xuân Lan tâm sự: con làm dược sĩ lâu quá rồi, cho nên nghỉ hưu ở nhà làm những gì mình thích làm. Dù chưa đủ tuổi để lãnh tiền hưu, nhưng cứ nghĩ, hai vợ chồng như hình với bóng đi đâu cũng có nhau và làm công quả cho chùa. Phật tử Trần Quân đi một mình thấy các cụ già, giúp dùm lên cầu thang. Cái hay ở chùa là ai thấy gì thì làm cái đó, không đợi nhờ giúp đỡ. Sự tận tình của các Phật tử đến chùa, người trẻ giúp người già.
Đừng bao giờ đi thuyền, đi ghe mà mặc áo dài, té bất cứ lúc nào, gãy chân bất cứ lúc nào. Ăn mặc giản dị càng tốt, mang giỏ càng nhẹ càng tốt. Để tránh rủi ro nên thận trọng từng bước đi. Mang máy hình cũng mang máy thật nhẹ, càng nhẹ càng tốt để tránh rủi ro. Sửa soạn lên tàu ra biển, đừng ăn, đừng uống nước càng tốt. Ăn bất cứ món gì cũng có cơ hội ói mửa. Lên thuyền lúc nào thì người nào cũng cười nói vui vẻ. Nhưng lúc các thầy tụng kinh thì mọi người im lặng. Mọi người được phát một quyển kinh cứ theo đó mà đọc.Có người không đọc kinh, mắt lim dim như thiền. Bầu không khí rất trang nghiêm. 4 thế hệ cùng đi cầu nguyện. Càng xa đất liền, con thuyền càng cô đơn, vì chỉ có một mình. Sau khi rải tro trên biển cả, thì con thuyền quay vào bờ. Mọi người im lặng, người thì tưởng nhớ đến người thân của mình. Người thì nhớ mới ngày nào vượt biển, lênh đênh trên biển cả không biết tương lai về đâu, không biết sống chết ra sao?
Nắng, gió, mệt vừa về đến chùa, mọi người đều vui vẻ. Thức ăn chờ sẵn ở phòng khách đón mọi người. Phòng triển lãm với cây kiểng thật đẹp, thật quý. Chủ nhân đứng ở cửa phòng triển lãm chờ giải thích về cây kiểng quý báu của mình. Người bản xứ đang ngồi ở hành lang để nghe chủ nhân của những cây kiểng giải thích từng cây. Ông Tuấn, ông Đinh và nhiều chủ nhân, khách vui lắm. Khi những cây kiểng của mình được khen và được ngưỡng mộ. Ông Nguyễn Văn Sung, một người đã từng triển lãm nhiều năm ở các trung tâm triển lãm của Mỹ và vợ là bà Thái Xuân, chủ nhân trung tâm nhạc Diễm Xưa đang đứng ngắm những cây kiểng thật đẹp. Tôi hỏi bà Thái Xuân:
- Những cây kiểng thật đẹp của ông bà đã từng chiếm giải thưởng của Mỹ đâu rồi? Sao không triễn lãm hôm nay?
Ông Thái Xuân tươi cười:
- Anh nói anh mệt quá rồi?
Nhà ông bà Sung ở Fountain Valley có nhiều cây kiểng, lâu năm rất có giá trị, và đã chiếm thật nhiều giải thưởng trong nhiều năm qua. Những người có tâm hồn nghệ sĩ gặp nhau, họ đàm thoại rất hợp ý như quen từ dạo nào, mấy chục năm về trước. Phật Tử dùng cơm trưa, chao nấm thật ngon, xong rồi ai cũng đi xem triển lãm, vào cửa tự do, không phải trả tiền vào cửa. Nhiều người thường quan niệm yêu thích nghệ thuật chỉ có người già, hay đi cầu nguyện chỉ có người già. Nhưng hôm nay đi cầu nguyện người tuổi trung niên và người trẻ nhiều hơn người già, và đi xem triển lãm cây kiểng người trẻ nhiều hơn người già và phụ nữ nhiều hơn nam gioi, không hiểu tại sao? Người sống nghĩ về người chết, con cháu yêu thương ông bà cha me được thể hiện trong những buổi xuống thuyền ra biển cầu nguyện cho người chết trên mặt biển, và rải tro cho thân nhân của mình. Tôi rất ngưỡng mộ những người thương người thân của mình. Dù người thân không còn trên cõi đời này nữa, và tôi rất tin tưởng vào lời cầu nguyện, một cách chân thành. Người sống và người chết có sự cảm thông, người sống có siêu thoát hay chưa chúng ta cứ cầu nguyện, một người, một trăm người , một ngàn người một triệu người cầu nguyện, sức mạnh của lời cầu nguyện đồng hương có thể cảm nhận được ở đây, không đợi đến kiếp sau
Xin cho đồng hương có niềm tin tôn giáo. Tin ở lời cầu nguyện một cách chân thành của mình, và xin cho người ra đi sẽ được bình yên và thanh thản ở nơi nào đó và người thân sẽ có một ngày sẽ gặp lại người thân yêu của mình.
KIỀU MỸ DUYÊN
Orange County
18/8/2018