Đêm trước ngày ra tù - On the Eve of Prison Release
From: TThe Sun Hunters - Người Đi Săn Mặt Trời - Infinity Publishing
Hard cover - Available on AMAZON.COM - ISBN: 9781495808333

 

Không ai rõ hắn đã ở trại tù nầy từ bao lâu rồi, tên thật của hắn là gì và vì sao hắn bị bỏ tù. Cũng không ai rõ hắn câm thật hay giả đò câm; nhưng tuyệt nhiên hắn không nói chuyện với một ai, từ các nhân viên cai tù đến các tù nhân khác trong trại. Nhưng hắn hiểu người ta muốn hắn làm gì và không được phép làm gì, và chỉ hiểu để phục tùng mệnh lệnh, thế thôi. Điều đó có nghĩa là hắn không câm theo đúng nghĩa, vì câm thực sự thì phải điếc. Hắn không điếc thì hắn không phải câm. Hắn cũng không thuộc loại phản kháng bạo động hay bất bạo động, vì nếu thế không những hắn không thể yên thân ở đây được mà còn có thể đã bị giết chết từ lâu rồi.  Nhưng ngược lại hắn không thể là loại mất trí, vì nếu thế thì đám cai tù đã thả hắn vì lý do thần kinh. Vì không thể gọi hắn là thằng câm hay lão câm nên người ta gọi hắn là thằng Khùng, với dụng ý cho đó là một đối tượng không thể phân loại và xếp hạng theo tâm lý học hay động vật học.

  

Những tù nhân khác thì có danh tánh, ngày sinh tháng đẻ cho nên không ai gọi họ là những thằng Khùng mà gọi bằng tên và đôi khi cả tên lẫn họ. Số người nầy biết mình từ một nơi khác đến đây nhưng không biết nơi khác đó là gì. Họ biết đến đây lúc nào và đến được bao lâu rồi mặc dù họ không biết vì sao bị đưa đến đây. Họ không rõ ở đây là đâu, trại tù tên gì, thuộc địa phận nào, miền nào, trên đất liền hay trên một hải đảo. Khi chuyển trại bằng đường bộ, họ được đưa đi  trong những xe bít bùng; khi đi bằng tàu thủy, họ bị nhốt kín dưới hầm tàu; khi đi bằng tàu lửa họ bị nhốt trong những toa tàu chở hàng với cửa được đóng kín và khóa chặt. Trước khi rời chỗ cũ sang chỗ mới họ chỉ được cho biết có lệnh chuyển trại, thế thôi. Khi được báo chuyển trại họ chỉ được báo từng cá nhân hay từng nhóm và chỉ được báo một vài phút để thu xếp trước khi đi ra chỗ tập trung. Không ai rõ được chuyển trại vì mục đích gì và đi đâu. Một số lo sợ bị đưa đi những trại tử tù trong khi không ít trong số họ hy vọng biết đâu lần nầy mình được trả tự do. Câu trả lời chính xác chỉ có được sau khi cuộc hành trình chấm dứt. Tương lai không còn thuộc về họ, hiện tại cũng không thuộc về họ, và cả số phận của chính họ cũng không còn thuộc về họ. Cũng không còn thuộc về họ những tài sản, gia đình, vợ con v.v. Phán đoán và lý trí trở thành hoàn toàn vô nghĩa khi con người bị giản lược vào những không tưởng mơ hồ; nhưng thiếu những không tưởng mơ hồ đó thì họ chẳng còn gì để sống khi đã mất hết phương hướng về cả hai mặt không gian và thời gian. Họ đã bị cướp đoạt những khung tham chiếu không gian và khung tham chiếu thời gian cần yếu trong đời sống tâm lý. Hoàn cảnh đã biến họ trở nên không khác mấy với những sinh vật bị nhốt trong hang tối, mất hết niềm tin vào tri thức của chính mình và mất hết ý thức và những nêu mốc về dự phóng, với một bản án không ấn định thời gian và không gian. Đó chẳng khác gì một sự tra tấn tinh thần không được một loại luật pháp quen thuộc nào qui định nơi các nền văn minh của loài người. Những tù nhân ý thức được sự dị biệt về văn minh nên có vẻ chấp nhận nó như một tất yếu phải làm quen và chịu đựng để mong đợi một bất ngờ nào đó.   

  

Thực ra họ chỉ phỏng đoán những phương tiện di chuyển đó dựa vào thời kỳ họ chưa bị đi tù và khung qui chiếu là hành tinh con người với những địa danh ít nhiều quen thuộc trên đất liền hay ngoài các hải đảo. Bây giờ họ bắt đầu nghi ngờ những phỏng đoán như thế vì đám cai tù không phải cùng một chủng loại như họ; hầu hết chúng có bộ lông màu vàng trên thân hình và mặt. Có lẽ đám nầy đến từ một hành tinh khác hoặc chính họ đã bị đưa sang một hành tinh khác chứ không phải trái đất nữa. Đám cai ngục không nói cùng một ngôn ngữ như những tù nhân; chúng chỉ mô phỏng phần nào ngôn ngữ của loài người và có khả năng giúp con người hiểu được phần lớn thứ ngôn ngữ mà họ mô phỏng.  Dường như ngôn ngữ mô phỏng không mấy hoàn hảo nên nghe rất gay gắt, hung tợn, và sắt máu. Nếu nghe chúng nói chuyện với nhau từ xa thì người ta khó phân biệt đó là tiếng quạ kêu, tiếng tinh tinh đang đánh nhau, hay tiếng của một bầy quân khuyển được lệnh tấn công. Chúng có thể hiểu ngôn ngữ của loài người dưới bốn hình thức: nói, viết, ra dấu, và nét mặt. Chúng cũng mô phỏng lối đi đứng trên hai chân như loài người. Một số ít đám cai tù không ngần ngại phơi bày toàn thân và mặt mủi lông lá của chúng trong khi phần lớn của chúng xuất hiện với những bộ đồng phục lạ mắt màu xanh lá cây, có vẻ rẻ tiền. Những bộ đồng phục màu xanh lá cây nầy thích hợp cho chúng khi đi trên hai chân cũng như khi đi trên bốn chân, khi leo cây cũng như khi đi trên đất. Lúc đầu không ai rõ những quần áo nầy làm bằng vật liệu gì, vì đấy không phải là loại vật liệu quen thuộc trên trái đất. Sau một thời gian loại vật liệu đó từ từ biến mất và được thay thế bằng những vật liệu do con người làm ra. Trong những dịp lễ hội lớn, thường có một số lãnh đạo cấp cao đến tham quan trại tù và số viên chức nầy, đáng ngạc nhiên, thay vì mặc đồng phục như đám cai tù, họ mặt những trang phục giống cac chính khách của trái đất. Tuy nhiên, họ vẫn để nguyên bộ mặt lông vàng và thỉnh thoảng vẫn đi trên bốn chân.

  

Riêng thằng Khùng thì không ai đoán được hắn là người trái đất hay một sinh sinh vật của một hành tinh nào khác vì hắn không bao giờ nói. Có người đoán rằng hắn là phạm nhân thuộc cùng một hành tinh như đám cai tù; nhưng sau đó người ta nhận ra không có điểm nào tương đồng giữa hắn và đám cai ngục; hắn gần với loài người hơn qua lối đi đứng, hành xử và nhất là qua hình thù vật lý của thân thể và khuôn mặt không có lông vàng như các tên cai tù. Hắn cũng biết mặc quần áo che thân vì không có bộ lông trên mình như đám cai tù. Nhưng quần áo của hắn không giống như những bộ đồng phục của đám cai tù mà được may bằng bao cát như các tù nhân khác. Miệng của hắn cũng không nhô hẳn ra để lộ hai hàm răng hung tợn nơi các tên cai ngục. Cách ăn uống của hắn rất giống cách ăn uống của những tù nhân khác, có giờ giấc chứ không phải lúc nào ăn cũng được và có thể ăn ở bất cứ đâu, dưới đất, trên cây, chỗ dơ cũng như chỗ sạch, ăn được là cứ ăn, ăn càng nhanh càng tốt vì sợ những tên cai tù khác giật mất miếng ăn.

  

Mặc dù hắn không nói nhưng sắc mặt hắn có thể biểu hiện những phản ứng tâm hồn như giận dữ, bất mãn, vui, buồn, yêu, và ghét. Chính vì điểm nầy mà người ta đoan chắc thằng Khùng cũng là người nhưng đã bị những năm tù đày làm câm đi, có miệng chỉ để ăn uống chứ không phải để nói, phản đối hay đòi hỏi. Điều đó có nghĩa là trước kia hắn có thể đã từng là một thành viên của xã hội loài người, biết đau khổ và hạnh phúc, biết yêu thương và thất vọng, biết ngày mai là nối dài của hy vọng và đồng thời là nối dài cho những rủi ro của số phận. Rất có thể hắn đã từng là một người lính hiên ngang xông trận, từng nhìn mặt kẻ thù mà tiến và sau đó bị số phận quay lưng để đẩy hắn vào tay kẻ thù. Rất có thể hắn đã từng là một học giả, một giáo sư đại học, một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sỹ, họa sỹ, diễn viên kịch nghệ, ca sỹ, hay đơn thuần một người tình không may mắn, một người chồng và người cha tận tụy hy sinh. Nói chung, có thể hắn đã từng làm người dưới ánh nắng của Thái Dương Hệ, với trời xanh của Dải Trường Sơn và dòng nước thủy chung của Sông Hồng và Cửu Long Giang.

  

Và tất cả bây giờ đã trở thành dĩ vãng; và dĩ vãng đó có thể vẫn còn trong hắn và cũng có thể đã mất đi phần lớn khi ngôn ngữ của hắn không được xử dụng từ nhiều năm. Ngôn ngữ thường được xem là phương tiện giúp phục hồi dĩ vãng và hoài niệm, phần hiện hữu không thể thiếu đi trong một sinh vật có sử tính như con người. Khi ngôn ngữ được hiểu một cách thông thường như là tiếng nói, ngoài những mục đích khác, con người xử dụng nó để chia xẻ với kẻ khác một phần hay tất cả vùng trời bao la mà thời gian đã đưa vào bóng tối của quá khứ. Trong vùng trời bao la đó có những ngày vui với nắng ấm và chim hót rộn ràng vào những sáng mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, và những ngày bình yên thơ dại. Ngày đó, mây chập chùng bay trên đồng cỏ, thảo nguyên tràn ngập với đủ loài hoa muôn hương muôn sắc dưới nền trời xanh nhân bản bát ngát hiền hòa. Đó là những năm tháng vô ưu cắp sách đến trường song song với những trang nhật ký đầu đời chất chứa những vấn vương và khao khát. Đó còn là cõi buồn khó phơi bày, những hoài vọng khôn nguôi, những cuộc tình không trọn, những trải nghiệm vốn bình thường như một dòng sông xuôi ngược theo thủy triều mỗi ngày nhưng lại chứa đầy bất trắc và u uẩn. Nếu không có ngôn ngữ thì khi chết đi con người sẽ vĩnh biệt cuộc đời và mang theo cả vùng không gian mờ mịt đó như tảng đá chìm xuống dòng sông. Mỗi ngày dòng sông theo dòng chảy hạ nguồn để hòa vào biển cả trong khi tảng đá vẫn âm thầm chìm dưới đáy sông sâu. Mỗi ngày bao nhiêu thông điệp xuôi ngược trên dòng sông không một lời hò hẹn với tảng đá lặng câm đang tự chôn chặt hiện hữu của mình dưới lớp phù sa oan trái. Mỗi ngày, mỗi mùa, mỗi năm đi qua với ánh nắng chan hòa trên dòng sông để lòng sông vơi đi phần lạnh giá, nhưng sức nóng mặt trời lại không đủ nóng để sưởi ấm tảng đá đã chìm đắm quá sâu trong lòng nước. Những trận mưa mùa thỉnh thoảng vẫn về để gội rửa dòng sông nhưng lượng nước mưa chỉ ở trên mặt dòng sông rồi đi về biển, không thể đến được đáy nước nơi tảng đá đang nằm. Bên trên dòng sông, vào những ngày nắng ấm, là bầu trời bao la với mây bay lồng lộng, nhưng với tảng đá, tất cả đều là màn đêm bất tận. Như các sinh vật khác, nếu con người không có tiếng nói thì ngôn ngữ thuộc về dòng sông chứ không thuộc về con người. Dĩ vãng thuộc về thời gian chứ không thuộc về con người nếu con người không có ngôn ngữ. Hiện hữu thuộc về phi lý khi con người không có dĩ vãng. Nếu hiện hữu được định nghĩa cơ bản là âm thanh, ánh sáng, động tác, và phản động tác thì, nếu không có ngôn ngữ, con người sẽ không còn được định nghĩa là hiện hữu một cách đầy đủ.

  

Người ta cũng tự hỏi thằng Khùng có bao giờ xử dụng ngôn ngữ bằng tay hay chữ viết để truyền đạt thay cho tiếng nói hay không. Về điểm thứ nhất, câu trả lời dứt khoát là không, vì, ngoài nét mặt ra, thằng Khùng không hề dùng hai tay để diễn tả tư tưởng của hắn. Về chữ viết thì có hai trường hợp. Thứ nhất, đám cai ngục thường xuyên khám xét đồ đạt của các tù nhân và tịch thu mọi giấy bút và các vật bén nhọn, nếu có. Trong những lần khám xét như thế, nếu chúng bắt gặp giấy bút hay một bài viết nào thì tác giả bị đưa đi biệt giam trong củi ngoài trời nhiều tuần hay nhiều tháng liên tiếp tùy theo nội dung bài viết. Công khai mà nói thì không thể có chuyện viết lách và lưu lại nội dung cho chính mình hoặc cho người khác đọc. Không ai rõ trước đây thằng Khùng có từng vi phạm lệnh cấm và bị trừng phạt như thế hay không. Thứ hai, khi được phép viết thì những tù nhân phải viết ở chỗ công khai và giao nạp bài viết cho giới cai ngục.

  

Dường như văn minh của đám cai tù cũng có những ngày hội lớn như trên trái đất và những đợt lên lớp cải tạo tư tưởng. Vào những dịp nầy, chúng tập trung các tù nhân và, trước khi thuyết giảng nhiều giờ liên tiếp, chúng phát cho các tù nhân giấy bút để ghi chép. Các tù nhân phải viết tên mình vào tập giấy được phát. Sau khi buổi thuyết giảng chấm dứt chúng thu lại những bản giấy nháp và cho họ về trại để buổi chiều trở lại ngồi xuống tự viết theo đề tài và nội dung mà chúng qui định để nạp lại.

  

Một trong những nội dung được rao giảng có phần liên quan đến nền văn minh mà đám cai tù đại diện. Theo chúng, nền văn minh đó thuộc một hành tinh X trên một quần thể 2X; và đó là một nền văn minh ưu việt với những sinh vật ưu việt so với con người trên trái đất. Nền văn minh đó không đi theo hướng trình tiến hóa của con người trên trái đất nên không thể so sánh theo một khung tham chiếu nào cả. Khi đi vào hiện hữu, chủng loại trên hành tinh X đã đi vào với bộ lông vàng trên mình và khuôn mặt lông lá, và hai hàm răng nhô ra dữ tợn như thế rồi. Chủng loại của chúng là ưu việt ngay từ khi đi vào hiện hữu chứ không tiến hóa từ một lớp sinh vật thấp kém man khai, vì chúng sinh ra để làm chủ vũ trụ và tượng trưng cho đỉnh cao của toàn thể các sinh vật trong vũ trụ, không biết sai lầm là gì và không biết thất bại là gì. Chúng sinh ra với sứ mạng bảo vệ quyền lợi của nền văn minh ưu việt, dứt khoát không chia xẻ một quyền lợi nào cho các sinh vật thuộc các nền văn minh khác. Vì chúng tượng trưng cho đỉnh cao trí tuệ của muôn loài nên sứ mạng đó còn là vai trò lãnh đạo tối cao chăn giữ và nô lệ hóa những chủng loại khác như đám tù nhân hiện tại trên trái đất. Một trong những bí quyết nô lệ hóa là từng bước hủy diệt khả năng suy tư của các sinh vật khác chủng, từng bước triệt tiêu ngôn ngữ của họ và thay vào đó là thứ ngôn ngữ của chúng, nếu được; bằng không thì hủy diệt hoặc biến đối tượng thành động vật vô nhân tính. Như một thực tế, giai cấp cai tù tỏ rõ tính ưu việt của chúng qua khả năng vừa đi được trên hai chân vừa đi được trên bốn chân, vừa đi được trên đất vừa nhảy nhót được trên cây. Ngay cả khi mặc những bộ đồng phục màu lá cây hay trang phục đại lễ chúng cũng làm được việc nầy mà không hề thất bại. Và chính nhờ ngồi trên ngọn cây mà sinh vật lông vàng nầy dễ dàng kiểm soát đám tù nhân bên dưới, chứng tỏ tư thế thực sự ưu việt của chúng cụ thể hơn.

  

Các tù nhân cũng được thuyết giảng rằng nền văn minh cai tù sẽ lần lượt biến từng vùng trên từng hành tinh của từng thiên hà thành thuộc địa để gồm thu năng lượng, thực phẩm, và tài nguyên; sẽ từng bước khống chế vũ trụ nhằm cai trị toàn bộ các sinh vật nếu có trong vũ trụ đó như một thế giới đại đồng không giai cấp.  Trong thời chuyển tiếp đến thế giới đại đồng không giai cấp đó, tạm thời giai cấp có bộ lông vàng, khuôn mặt có lông và hai hàm răng nhô ra dữ tợn vẫn đóng vai trỏ chủ đạo để bảo đảm tính vẹn toàn và ưu việt của toàn vũ trụ. Khi giai cấp lông vàng nầy tự giải tán là khi thế giới đại đồng đã thực sự thành hình như một thiên đường vĩnh cửu vì lịch sử không thể quay ngược lại được nữa. Lúc bấy giờ xã hội sẽ không cần ai kiểm soát, vì ngoài những sinh vật lông vàng không còn chủng loại nào có ngôn ngữ riêng hay não bộ riêng để đưa đến tranh chấp, đối kháng, và mâu thuẩn. Đám sinh vật lông vàng xuất hiện như một hiện hữu tuyệt đối, không bị chi phối bởi tiến hóa; chỉ có quyền lực thì mỗi ngày một nhiều hơn. Vì quyền lực của chúng mỗi ngày một nhiều hơn nên thế giới đại đồng đó trở thành một thế giới được điều khiển từ xa bởi một giai cấp siêu quyền lực ẩn danh và ẩn hình đến độ thế giới đại đồng được nhìn như một thế giới không giai cấp.

  

Thế giới đại đồng đó cũng không phải đối phó với nạn khan hiếm thực phẩm. Một khi não bộ không còn làm việc nữa thì cơ thể sẽ làm việc chậm lại; tiêu hóa, tuần hoàn cũng sẽ chậm hẳn lại đến mức mọi sinh vật nô lệ sẽ không còn thấy đói và khát là gì nữa. Vã lại đám sinh vật lông vàng sẽ được yên ổn với một trật tự thế giới hầu như tĩnh vật, mất hết hoài bảo, khát vọng, hoài nghi, và tra vấn. Khi cần, chúng sẽ đánh thức đám nô lệ ngái ngủ đó để phục dịch những mệnh lệnh của chúng; sau đó chúng sẽ để họ ngủ tiếp trong thiên đường vô tận của họ.

  

Chủng loại lông vàng sống riêng biệt trên một hành tinh riêng biệt và không luôn luôn trực tiếp cai trị thế giới đại đồng tản mát trên các hành tinh khác. Chúng có những giai cấp nô tì trung gian được cải tạo qua nhiều thời kỳ và cuối cùng biết xử dụng nhuần nhuyển ngôn ngữ của chúng và thích nghi được với tư duy và vũ trụ quan của chúng. Tuy nhiên bao lâu đám nô tì nầy chưa biến đổi cơ thể vật lý để trở thành loài sinh vật có lông thì chúng vẫn chưa được sống chung trên cùng một hành tinh với loài lông vàng; nhưng chúng được loài lông vàng ủy quyền cai trị đám sinh vật còn lại chưa tiến bộ.

  

Các lớp giảng thuyết là một phần của tiến trình cải tạo những tù nhân rải rác khắp vũ trụ. Ngoài khả năng biết rất rõ con người nghĩ gì, muốn gì qua bốn thứ ngôn ngữ nói, viết, ra dấu, và biểu hiện bằng nét mặt, các sinh vật lông vàng có khả năng nhận thức được những gì thực sự tiềm ẩn phía sau những thứ ngôn ngữ đó, nhất là mức độ thay đổi thực sự trong tư duy về chính họ, về giai cấp cai tù, và về nền văn minh lông vàng .  Ngoài ra, chúng còn có khả năng mô phỏng ngôn ngữ của loài người nhưng với một số cú pháp riêng, ngữ vựng riêng nhằm tự phân biệt với loại ngôn ngữ của kẻ bại trận. Do đó, những loại ngôn ngữ thành văn như chữ viết và những ngôn ngữ bất thành văn như nói, ra dấu và biểu hiện bằng nét mặt của con người không phải là những yếu tố quyết định để xét đoán tiến trình cải tạo do đám cai tù tiến hành. Cho dù những tù nhân có nói gì hay viết gì đi nữa thì chúng cũng thừa biết trong thâm tâm họ thực sự nghĩ gì và muốn gì. Tuy nhiên, chúng vẫn cố thay đổi những thứ ngôn ngữ sẳn có đó, dù chúng vẫn biết đó là những ngôn ngữ giả tạo. Tù nhân nào chịu từ bỏ ngôn ngữ của mình để thích nghi với ngôn ngữ của loài lông vàng thì được xem như chấp nhận một bước cải tạo và tiến bộ; bằng không thì ngôn ngữ của họ sẽ bị triệt tiêu và không được thay thế bằng một loại ngôn ngữ nào khác. Có thể đó là trường hợp của thằng Khùng. Trong các buổi học tập chính trị, thằng Khùng không nhận được giấy bút mặc dù hắn cũng bị bắt buộc phải đến chỗ tập trung rao giảng. Trong thời gian đầu, các tù nhân khác không chú ý mấy đến sự kiện lẻ loi của thằng Khùng vì xem hắn như một ngoại lệ không đáng kể, như một sinh vật không được định nghĩa đầy đủ như họ. Họ tự cảm thấy hạnh phúc hơn hắn, được cầm bút, được yêu cầu suy nghĩ và yêu cầu để viết dù là viết theo mệnh lệnh. Chấp nhận ngôn ngữ của văn hóa lông vàng có nghĩa là dùng đúng cú pháp, văn phạm, và ngữ vựng của nó. Ngoài ra, nội dung phải cho thấy được sự vinh quang của kẻ thắng, tính ưu việt của chủ nghĩa thế giới đại đồng, cho thấy được rằng loài sinh vật có bộ lông vàng là đại diện cho đỉnh cao trí tuệ của vũ trụ, có sứ mạng khai hóa toàn bộ các sinh vật trong vũ trụ đó, công cuộc khai hóa đó là không thể đảo ngược được và không thể đánh bại được vì giai cấp lông vàng là một hiện hữu tuyệt đối không bị chi phối bởi tiến hóa như các chủng loại động vật khác. Tiến hóa của loài người, theo triết lý của văn minh lông vàng, không đi theo đường thẳng để đi về vô tận mà đi theo vòng tròn khép kín, nghĩa là nhân loại tiến hóa chỉ để đi vòng trở lại khởi điểm ban đầu. Do đó, theo chúng, nhân loại mà chúng đang cầm tù cuối cùng sẽ chấm dứt ở số không về mọi phương diện như sinh vật học, ngôn ngữ, triết học, tiến bộ kỹ thuật, phong tục tập quán v.v. Muốn tránh khỏi tình trạng đảo ngược triệt để đó con người phải chấp nhận sự cai trị và che chở của chủng loại có bộ lông vàng, khuôn mặt có lông vàng và hai hàm răng nhô ra dử tợn, có bộ đồng phục màu xanh lá cây, đi được trên hai chân và trên bốn chân, đi được trên đất và nhảy nhót được trên cây.

  

Trong khi nghe rao giảng và cố gắng nắm vững nội dung để viết, họ nhận ra một điều khiến họ hạnh phúc vô cùng tận: họ vẫn còn trên trái đất; đám cai tù lông vàng đến từ một hành tinh khác. Họ bắt đầu yêu mến những con suối mà họ xuống tắm mỗi chiều sau khi làm công việc khổ sai trong ngày; họ bắt đầu thương xót những rừng cây mà họ được lệnh phá hủy, những thung lũng hoa vàng mà họ bị buộc phải khai hoang. Mặt trời vẫn còn là mặt trời của những ngày họ còn được tự do. Thời gian hãy còn là thời gian trải dài từ quá khứ của họ, bạn bè của họ, và những người thân yêu của họ. Còn trái đất là họ còn hy vọng. Họ không còn cảm thấy đau khổ và đày đọa khi phải cuốc những đồi sỏi đỏ để trồng khoai mì, trồng bắp, trồng lúa rẩy dù biết rằng đó chỉ là công việc đày ải. Những ngọn đồi đó là những ngọn đồi của quê hương của chính họ. Họ không còn cảm thấy đau xót khi bị những đàn vắt tấn công và hút máu khi họ vào rừng tìm măng hay rau trái mưu sinh. Lũ vắt đó không độc ác bằng giai cấp cai tù đến từ một hành tinh lạ. Mỗi sáng thức dậy họ còn nghe được tiếng chim hót trên cành, mặt trời mọc ở phương đông, và mây trắng ung dung bay trên nền trời xanh như thuở bình yên chưa có bóng dáng kẻ thù. Họ vẫn còn nghe được tiếng ve kêu rã rích những trưa hè và tiếng nhái họ lênh đênh trong những chiều mưa giông tháng hạ.

  

Trại tù của họ dường như nằm trong một vùng rừng núi miền Trung vì ở đây có đủ bốn mùa rõ rệt và các tù nhân còn nhận ra Dải Trường Sơn về phía tây. Họ đã trải qua những mùa đông giá buốt mưa dầm, co ro trong những bộ quần áo được may bằng bao cát không đủ ấm. Họ đã từng sống với những loại lương thực mà bình thường con người trên trái đất chỉ dùng để nuôi heo hay gà vịt. Trong những giai đoạn đó, họ được nhận những thứ được mệnh danh là lương thực; nhưng thực ra đó chỉ là những bao gạo lâu đời lấy từ những kho phế thải trong rừng, mục nát và hôi ẩm từ ngoài vào trong, đầy rẩy sâu bọ. Những người phụ trách nấu bếp không dám vo gạo vì sợ làm nát vữa. Thay vì thế, họ chỉ cho nước vào tương đối mạnh tay hơn bình thường để cho sâu bọ nổi lên được chừng nào hay chừng đó; sau khi đổ hết nước với lớp sâu bọ nổi bên trên, họ lặp lại thao tác đó một vài lần trước khi bắt đầu nấu. Khi nấu chín xong, không ai biết đó là cơm, cám heo, hay là bột vì tất cả đều nát tương với một màu nâu sậm pha lẫn với sâu bọ đủ màu. Sau khi phân phối phần "nạc" bên trên một lượt vào các thố của mỗi nhóm, những người phụ trách bếp, một lần nữa, chia đều phần cháy bên dưới cho các thố. Phần cháy nầy sẽ được dùng thay muối, vì bấy giờ cả muối cũng không được đám cai tù phân phát. Nỗi đau khổ của họ không đến từ những chén cơm gạo mục đầy sâu bọ mà đến từ hiện tượng hóa trạng đột ngột từ kiếp người sang kiếp động vật gia cầm. Có thể giai cấp cai tù đã thành công trong bước cải tạo đầu tiên khi cho con người xuống cấp một bậc. Nhưng dù sao thì họ vẫn còn trên trái đất, quê hương của họ. Họ vẫn còn thấy chút ít niềm tin khi nhìn những cánh rừng thăm thẳm chung quanh vào những mùa xuân hay mùa hạ. Họ thấy ấm lòng khi chứng kiến những ngày thu lá vàng trên bước đường lao động khổ sai. Rừng núi đó bao dung nhưng không đủ sức bao dung trước thực tại hung hãn của những sinh vật đến từ hành tinh lạ. Họ cũng từng đối mặt với những loài thú dữ như rắn độc và hổ báo; nhưng những loài thú dữ nầy thường bỏ đi khi con người xuất hiện, trái hẳn với giai cấp có bộ lông vàng, vì ở đâu có con người thì ở đó có mặt chúng, ngay cả trong giấc ngủ, khi giải lao, tiểu tiện, đại tiện v.v. Ở đâu cũng xuất hiện những bộ đồng phục màu xanh lá cây như biểu tượng của khủng bố, rình rập, trấn lột, và bắt nạt, sản phẩm của nền văn minh được mệnh danh là ưu việt.

  

Từ trại nầy sang trại khác, từ năm nầy qua năm khác, đám tù nhân luôn luôn hy vọng sẽ được trả tự do sau khi chịu phục tùng và viết đi viết lại những bản "tự kiểm" kèm theo những lời ca ngợi chủng loại lông vàng đến từ một hành tinh lạ. Đó chẳng qua là lối suy luận của những người tuyệt vọng. Thực sự họ đã mất rất nhiều, nhất là ngôn ngữ của chính họ. Khi những bài viết của họ không bị từ chối hay không có vấn đề gì nghiêm trọng chính là khi họ đã bước sâu hơn vào cõi vong thân một cách vô thức; họ đã tự đánh mất hiện hữu của mình. Họ hãnh diện vì còn xử dụng được ngôn ngữ chứ không như thằng Khùng; nhưng họ không ý thức được rằng thứ ngôn ngữ mà họ đang xử dụng không phải là ngôn ngữ của chính họ. Đó là ngôn ngữ của kẻ thắng trận, của một chủng loại đến từ một hành tinh lạ, đi được trên hai chân và bốn chân.

  

Ngôn ngữ thực sự chính là ngôn ngữ của những người nằm xuống vì không khuất phục như Ngô Nghĩa hay Nguyễn Ngọc Trụ, hai trong số những người không chấp nhận sự rao giảng của đám cai tù và bị xử bắn không cần xét xử. Lịch sử chỉ có một màu duy nhất; đó là màu của ánh sáng trong suốt; nhưng ngược lại lịch sử lại có rất nhiều thứ gương dị dạng để con người soi vào và tự đánh giá chính mình. Đó là đặc ân của lich sử. Thằng Khùng không có được thứ đặc ân đó. Hắn đã tự nguyện đánh mất ngôn ngữ của chính mình. Hắn đã tự nguyện bỏ qua thứ đặc ân cầm bút. Hắn không cần đến loại ánh sáng trong suốt của lịch sử và cũng không cần đến những loại gương dị dạng để tự đánh giá mình. Hắn đã tự nguyện đi vào thế giới tĩnh vật và từ chối hy vọng, từ chối ngày mai, có lẽ vì hắn biết rằng hy vọng và ngày mai không thuộc về hắn nữa.

  

Theo thời gian, một số tù nhân từ các trại tù khác đến để thế chỗ những người đã bị chuyển đi. Không ai rõ có bao nhiều người bị tước đoạt ngôn ngữ như thằng Khùng. Thỉnh thoảng lại có những Ngô Nghĩa và Nguyễn Ngọc Trụ nằm xuống rồi mặt trời lại tiếp tục mọc lên mỗi sáng và lặn vào buổi chiều. Chim vẫn reo vang trong rừng núi chập chùng; những dòng sông vẫn cứ vô tư chảy xuôi về đại ngạn để hòa cùng biển cả. Hoa vẫn rộ nở trên khắp bình nguyên vào mùa xuân và mùa hạ. Mỗi chiều những đàn có vẫn ung dung sải cánh trên nền trời mây trắng. Sương khói Trường sơn vẫn cứ vươn dài theo năm tháng. Giá rét mùa đông vẫn về để giết chết tâm can những người bại trận. Thế giới của niềm tin và hy vọng ngày nào nay từng bước trở thành rừng lau sậy đong đưa trong gió bấc mưa phùn. Rừng núi vào thu vẫn âm thầm trút lá như cơ hồ không ý thức được rằng hành tinh nay đã không còn.

  

Những lượt người đến và đi vẫn tiếp diễn; nhưng thằng Khùng vẫn còn đây, vẫn thỉnh thoảng lên lớp ngồi chung với những tù nhân khác, vẫn không mở lời, không được nhận giấy bút…Hắn ngồi đấy như gỗ đá biết nghe. Vẫn như trước, đám cai tù để hắn ở tại nhà giam số 5, thuộc tổ tăng gia. Tổ của hắn phụ trách trồng rau và chăn nuôi, giả định là để cung cấp cho cả trại. Trại tù còn có các tổ khác như tổ rèn, tổ mộc, và tổ nhà bếp. Ngoài những nhóm chuyên môn nầy, phần còn lại hằng ngày phải đi lao tác để phá rừng, làm rẩy v.v. Tổ tăng gia có khoảng mười người và chia ra thành hai nhóm: nhóm trồng rau và nhóm chăn nuôi. Thằng Khùng thuộc nhóm nuôi heo chỉ gồm có một mình hắn thôi. Công việc nầy tỏ ra thích hợp với hắn vì hắn không cần phải nói năng gì cả, cứ theo thói quen mà làm. Cũng có thể giữa hắn và các con heo có một thứ ngôn ngữ nào đó để truyền thông với nhau; nhưng giả thuyết nầy không cần thiết mấy vì mệnh lệnh đối với mấy con heo cũng tương đối giản đơn như mệnh lệnh đám cai tù đối với Khùng vậy thôi.

  

Mọi việc đều trôi chảy cho đến một ngày phải giết heo lấy thịt. Hôm đó, một viên cai tù trong bộ đồng phục màu xanh lá cây xuống nhà giam số 5 để báo với Khùng về lệnh nầy. Hắn nói:

- Ban chỉ huy ra lệnh sáng ngày mai mổ lợn đấy. Anh chuẩn bị thi hành nhé. Mổ con lợn lớn nhất trong ba con.

Tưởng trố mắt lên nhìn người vừa ra lệnh. Viên cai tù nói tiếp:

- Anh nhìn cái gì? Đó là phần việc của tổ chăn nuôi, anh hiểu chưa?

  

Khùng vẫn tiếp tục nhìn trừng trừng viên cai tù. Có lẽ vì đã quen sự biểu hiện bằng nét mặt của Khùng nên dường như tên cai tù nhận ra phản ứng của Khùng; hắn không nói tiếp và bỏ đi để tìm gặp người tù tổ trưởng tổ tăng gia để giải quyết. Hắn nói với người tổ trưởng tăng gia:

- Ban chỉ huy quyết định sáng ngày mai mổ lợn đấy. Tổ tăng gia của anh chuẩn bị thi hành nhé.

- Thưa quản giáo, phần việc nầy là của tổ chăn nuôi, trách nhiệm của anh Khùng. Chúng tôi bên tăng gia không biết gì về mổ heo cả.

- Tôi có nói chuyện với tên Khùng ấy rồi; y cứ trố mắt nhìn tôi không nói năng gì cả. Anh đến nói chuyện với y xem sao. Nếu giải quyết không được thì các anh phải chịu trách nhiệm với ban chỉ huy đấy.

  

Người tổ trưởng tăng gia đến gặp Khùng và nói:

- Anh đã nghe lệnh sáng mai phải giết heo chứ? Anh làm được không?

Khùng lại nhìn người tổ trưởng giống hệt như đã nhìn tên cai tù, nhưng lần nầy tỏ vẻ cương quyết chống đối hơn.

Người tổ trưởng nói tiếp:

- Tại sao vậy? Anh không làm được à?

  

Khùng vẫn tiếp tục im lặng nhìn chòng chọc hết viên cai tù đến người tổ trưởng tăng gia. Nếu tuân lệnh thì hắn chỉ cần gật đầu là xong; nhưng trường hợp nầy không phải đơn giản như thế. Không ai rõ lý do tại sao hắn phản đối.

Viên cai tù giận dữ vừa bước ra ngoài vừa nói lớn với người tổ trưởng tăng gia:

- Anh theo tôi.

Khi ra đến bên ngoài hắn nói tiếp:

- Anh là tổ trưởng tổ tăng gia và chăn nuôi nên anh có trách nhiệm giải quyết việc nầy.

Tổ trưởng tăng gia trả lời:

- Rất có thể Khùng không biết giết heo hoặc hắn sợ sát sinh. Cá nhân tôi cũng không biết giết heo và các anh em trong tổ tăng gia cũng thế. Có lẽ giết heo là phần việc của tổ nhà bếp chứ không phải của chúng tôi. Vã lại nếu biết giết heo thì chúng tôi sẵn sàng làm rồi.

- Mổ lợn thì có gì khó đâu mà biết với không biết? Anh vào nói Khùng cứ làm theo lệnh; nếu cần sáng mai tôi sẽ cho người xuống đứng chỉ đạo cho mà mổ.

  

Khi hai người vào trong để gặp lại Khùng thì thấy hắn ngồi phục xuống đất và gục mặt vào hai gối. Viên cai tù lớn tiếng.

- Anh đứng dậy!

Khùng đứng dậy và nhìn vào mặt viên cai tù.

Vì có khả năng hiểu được ngôn ngữ của loài người không những qua tiếng nói mà còn qua sắc mặt, viên cai tù dường như đọc được ý nghĩ của Khùng. Tuy nhiên, hắn vẫn lớn tiếng:

- Tôi lặp lại một lần nữa đây là trách nhiệm của anh, anh rõ chưa?

Vùa nói y vừa đọc được câu trả lời của Khùng hiện ra trên nét mặt:

- Tôi không biết sát sinh.

  

Thế là cuộc đối thoại giữa viên cai tù biết nói và một người câm tiếp tục.

- Đây đâu phải là sát sinh. Giết lợn chứ có phải giết những chủng loại người như các anh đâu mà gọi là sát sinh?

- Nếu giết những chủng loại người như chúng tôi thì đó là sát nhân hay diệt chủng chứ không gọi là sát sinh.

- Thế tại sao anh lại sợ sát sinh?

- Trên trái đất nầy, con người và mọi sinh vật khác đều tương kết với nhau. Kiếp nầy làm người nhưng kiếp sau có thể làm heo, gà, hổ, báo, sư tử, rắn độc hay tôm cá dưới biển. Quyền sống của mọi sinh vật đều được tôn trọng như nhau theo nghĩa luân hồi nghiệp báo. Mỗi cơ thể động vật trên trái đất đều có một hệ thống vi tính siêu đẳng mà chính con người cũng không thể hiểu nỗi. Mỗi động vật đều có những ẩn số huyền bí cùng với những hệ thống truyền thông bí ẩn vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Mỗi động vật đều có một then máy sinh sản và đào thải, ít nhiều đều có tính hợp quần và tổ chức xã hội. Cũng có thể vì những giới hạn tri thức cố hữu nên các ông không nhìn thấy được tính siêu việt huyền bí đó và cứ bình thản tiêu diệt những chủng loại khác. Một khi chưa hiểu biết được những huyền bí của trời đất thì cá nhân tôi không dám manh động ra tay giết chết các loài động vật khác. Mọi sinh vật đều có quyền sống như nhau, kể cả con heo mà các ông bảo tôi giết. Tôi không rõ con vật mà các ông ra lệnh cho tôi giết kiếp trước của nó là gì. Biết đâu nó chẳng phải là hiện thân của ông bà tổ tiên của tôi, của các ông hay lãnh tụ của các ông, hay đơn thuần là một con người với đầy đủ giá trị và quyền lợi không thể chiếm đoạt?

  

Tên cai tù quay sang người tổ trưởng nói:

- Anh có hiểu nó nói gì không?

- Làm sao tôi hiểu khi y không nói gì cả mà chỉ nhìn chòng chọc như thế?

- Chúng tôi đọc được tất cả tư tưởng của các anh.

  

Nói xong viên cai tù quay sang Khùng và tiếp:

- Chủng loại trên hành tinh X không có tiến hóa. Cuộc sống mọi sinh vật hay mọi thành viên xã hội chỉ giới hạn trong thời gian giữa lúc sinh ra và lúc chết đi, thế thôi. Chúng tôi không bao giờ khoan nhượng đối với những chủng loại khác; chúng chỉ sinh ra để phục vụ chủng loại ưu việt như chúng tôi. Vì không có tiến hóa nên không thể có chuyện luân hồi hay hiện thân, anh rõ không? Bản thể học nhất nguyên của chủ nghĩa duy vật không cho phép suy luận theo chiều hướng đó.

- Ngay kim cương cũng có quá trình hình thành của nó và giá trị của nó cũng tùy thuộc vào tiến hóa của con người đừng nói đến những động vật hữu sinh hữu diệt như tôi và ông. Nếu mọi thành viên xã hội của các ông chỉ giới hạn trong thời gian giữa lúc sinh ra và lúc chết đi thì tại sao các ông lại ướp xác các lãnh tụ của ông để cố thuyết phục thế giới rằng những thi thể nằm trong các xác ướp đó là bất diệt, là muôn năm, là đời đời? Nếu mọi thứ đều hữu hạn thì tại sao các ông lại tuyên bố những chủ thuyết của các ông có giá trị trường cửu và bất biến như những chân lý không bao giờ thay đổi? Cái chân lý duy nhất mà chúng tôi có thể chia xẻ với các ông là chân lý của kẻ mạnh, theo nghĩa là kẻ thắng của một trận chiến trong vô số những trận chiến còn đang tiếp diễn. Có thể chúng tôi không đủ khả năng nhận thức được sự huyền bí nơi các động vật và thực vật trên hành tinh của chúng tôi; nhưng ông đừng nghĩ rằng chúng tôi không thể nhận thức điều ông gọi là ưu việt đó thực chất là gì. Chúng tôi không bao giờ tự cho mình là ưu việt khi chưa đủ khả năng khám phá những huyền bí trong những sinh vật đơn sơ nhất trong vũ trụ nầy. Không ai có thể tự cho mình là ưu việt khi nhắm mắt tiêu diệt một nền văn minh khác mà không hiểu biết tí gì về nền văn minh đó. Có thể các ông đến xâm lăng hành tinh của chúng tôi và ra sức nô lệ hóa chúng tôi chỉ vì chủng loại của chúng tôi khó long thỏa hiệp được với chủng loại của các ông. Các ông đã đến vào một thời điểm khá may mắn khi loài người chúng tôi đang trên đường đi đến điểm hẹn với định mệnh sau khi đã tự đánh bại mình.  Trong tình trạng như thế, ngay cả loài kiến đen nhỏ bé nhất vũ trụ cũng có thể tiêu diệt được con người đừng nói đến những động vật có xương sống như các ông. Vâng, nghịch lý của lịch sử sẽ biến chúng tôi từ những những sinh vật thông minh nhất trong một vũ trụ quen thuộc thành những sinh vật yếu đuối nhất và dễ bị thương tổn nhất như chúng tôi, thành những chủng loại sinh ra như những vật hy sinh cho chủng loại trên hành tinh X của các ông; hành tinh của chúng tôi chỉ là một trong những nhà tù bao la rải rác khắp cùng vũ trụ đang giam giữ tất cả chủng loại như chúng tôi, bất luận chúng tôi đang ở bên trong hay bên ngoài các trại tù địa phương như trại tù nầy. Bản thể học nhất nguyên của chủ nghĩa duy vật không cho phép các ông suy luận theo chiều hướng của chúng tôi, nhưng nó không thể cấm đoán chúng tôi suy luận và tin tưởng theo chiều hướng của chúng tôi. Rất có thể chính những giới hạn của chủ thuyết nhất nguyên duy vật khiến các ông tự xem mình là những sinh vật được cấu tạo thuần túy bằng vật chất, và vật chất đó phải là loại vật chất ưu việt trong khi những sinh vật được sản sinh từ thuyết nhị nguyên và đa nguyên chỉ là những hiện tượng thoái hóa cần được cải tạo và tiêu diệt nếu cần. Rất có thể chủ thuyết nhất nguyên được xem là cơ sở lý luận đủ thuyết phục để các ông loại trừ các hệ thống chính trị đa đảng và tập trung mọi quyền lực vào tay một tập đoàn cai trị độc tôn bao gồm một số sinh vật có bộ lông vàng, có hai hàm răng nhô ra hung tợn, biết đi trên hai chân và trên bốn chân, đi được dưới đất và nhảy nhót được trên cây. Bất kỳ sẩn phẩm văn hóa nào của những sinh vật không đi được trên bốn chân đều bị xem là phản động, đồi trụy, và tai hại. Bao lâu những sản phẩm văn hóa của các sinh vật đi trên hai chân còn đó thì sự thách thức là có thực đối với sự tồn tại của các ông; và nỗi sợ sợ hãi của các ông cũng là một hiện thực. Để trấn áp phần nào nỗi sợ hãi và mặc cảm đó các ông đã xử dụng một số trong chúng tôi như những nô lệ có nhiệm vụ dạy dổ các ông thế nào là tiến bộ kỹ thuật, thế nào là văn minh tiên tiến. Mặc cảm tự ti đó cũng phần nào được xoa dịu khi các ông chiếm đoạt tài sản của chúng tôi, vợ của chúng tôi, triệt đường tiến thân của con cháu chúng tôi, thay đổi xiêm y, tô son trét phấn để mô phỏng văn minh và văn hóa của chúng tôi. Nhưng liệu các ông có thể thành công hay không hay chung qui chỉ dùng tất cả chúng tôi như những vật tế thần cho bản chất man khai của chính các ông?

- Chúng tôi đã đọc được tư tưởng của các anh ngay từ buổi đầu. Chúng tôi không lầm lẫn đâu. Chúng tôi không bao giờ tin vào những gì các anh nói hay viết. Nhưng một số điểm anh vừa nói là định luật tất yếu không thể đảo ngược, anh rõ chưa? Đó chỉ vì muốn bảo vệ các anh và những chủng loại như các anh. Anh không nhìn thấy được lượng khoan hồng và nhân đạo của chúng tôi hay sao?

-  Khoan hồng và nhân đạo chỉ có nghĩa đối với những kẻ phạm tội. Chúng tôi không phạm tội; chúng tôi chỉ là những kẻ bị lịch sử quay lưng và phản bội. Nhân đạo chỉ có nghĩa trong cộng đồng nhân loại và trong một nền văn minh nhân bản. Nền văn minh của các ông dứt khóat không có những thuộc tính như thế. Khái niệm về nhân đạo hoàn toàn tương khắc với khái niệm nô lệ hóa và đồng hóa những chủng loại khác.

- Anh nghĩ sao nếu một ngày kia anh học tập tốt và được trả tự do ra về để cùng sinh sống với xã hội bên ngoài cũng thuộc loài người và cũng trên trái đất của anh?

- Tôi sẽ biết ơn các ông; lúc đó tôi cũng sẽ là một trong những thành viên xã hội loài người. Nhưng nếu thấy những đồng loại của tôi vô tư và nhởn nha nhảy nhót trên đường phố, hát hò trong công viên và làm tình trong các quán rượu, phòng trà, bến cảng, nhà ga… tôi sẽ bị mặc cảm bơ vơ và lạc hậu; tôi sẽ đau khổ vì không còn ngôn ngữ để truyền đạt và để ca hát như họ. Hơn nữa, xã hội loài người của chúng tôi ngày nay chắc chắn tràn ngập những người hành tinh như các ông, điều sẽ khiến tôi tự thấy mình bị chuyển sang một trại tù lớn hơn thay vì được trả tự do.

- Đó chỉ là giai đoạn đầu, tạm thời. Về sau, khi thế giới đại đồng đã thành hình, không một sinh vật nào ngoài hành tinh X cần đến ngôn ngữ nữa. Lúc bấy giờ ngôn ngữ sẽ được thiết kế tự động trong não bộ của mọi người nên mọi người đều bình đẳng về ngôn ngữ. Lúc đó anh có thể cùng các sinh vật khác nhảy múa theo những điệu nhạc phát đi từ những loa phóng thanh cộng đồng trên các đường phố.

- Ở điểm nầy, chúng tôi cũng cám ơn các ông. Nếu các sinh vật của hành tinh X không đưa chúng tôi đến tình trạng đó thì những tập đoàn tài phiệt gian tham và đê tiện trên trái đất của chính chúng tôi cũng sẽ đưa chúng tôi đến đó. Chúng tôi không oán trách các ông. Trước khi làm nạn nhân của các ông, chúng tôi thực sự đã là nạn nhân của đám đầu nậu thối nát đó. Họ còn hung hiểm, văn minh, xảo quyệt, thông minh, tinh xảo, vô liêm sỷ, và hùng mạnh hơn các ông vạn lần, đơn thuần là vì họ là con người, tức là những sinh vật đi trên hai chân chứ không như các ông những sinh vật đi trên bốn chân. Nhưng đồng thời cục phân được thiết kế tự động trong não trạng của họ cũng lớn hơn nhiều so vói cục phân trong não trạng của các ông. Về mặt tiến hóa họ đã đi trước hành tinh X của các ông không biết bao nhiêu thời kỳ, có lẽ vì chủng loại của các ông không chấp nhận tiến hóa. Họ không cần đến mệnh lệnh hay quyền hành mà chỉ dùng đồng tiền để khiến kẻ khác nói tiếng nói của họ, từ những hệ thống truyền thông qui mô nhất đến các định chế đại học nổi tiếng nhất hành tinh. Quyền lực mềm đó hiệu quả hơn nhiều so với chế độ độc tài của các ông. Chính các ông và con cháu các ông rồi đây cũng sẽ đi theo sự an bài của họ, sẽ mang hết tiền của lấy từ giai cấp bại trận để cung phụng những tập đoàn lái buôn đó nhằm đổi lấy những chiếc thòng lọng đeo vào cổ của chính các ông. Họ đã phản bội chúng tôi; lịch sử đã lật qua một trang của chúng tôi; và chúng tôi đã chấp nhận sự phản bội đó như là mặt trái của tiềm năng ưu việt nơi loài người của chúng tôi. Nếu hành tinh X không xâm lăng chúng tôi thì bất kỳ một hành tinh nào khác cũng có thể làm việc đó dễ dàng. Các ông vừa là nhân chứng trước lịch sử vừa là công cụ của lịch sử. Nói cách khác, các ông chỉ giúp chứng minh thế tất yếu của lịch sử mà thôi. Thực ra các ông đến đây chỉ để thu nhặt những tàn dư mà đám đầu nậu đó bỏ lại mà thôi. Nếu số phận hành tinh nầy không thuộc về chúng tôi thì dứt khoát nó cũng không thuộc về các ông.

  

Ngày hôm sau, ba tên cai tù xuống trại số 5 và bắt con heo đem về ban chỉ huy và mọi việc kể như ổn thỏa. Không ai trừng phạt thằng Khùng, có lẽ vì không ai có thể trừng phạt một người khi người đó không có khả năng làm một việc hắn không thể làm được, ít nhất về mặt kỹ thuật. Vã lại, với một người câm, không có ngôn ngữ để viết ra thành văn hay nói ra thành lời thì lấy đâu ra bằng chứng để buộc tội hắn?

  

Rồi cũng theo thời gian, một số ít tù nhân được thả ra, một số được chuyển đi nơi khác, một số bị đem ra xử bắn. Trong số những người bị chuyển đi và ở lại cũng có một số mất đi ngôn ngữ như thằng Khùng. Và trong số những người mới câm nầy, một số đã được trả tự do.

  

Trại giam bắt đầu đi vào mùa hè, cái mùa hè nóng bức và gay gắt của Miền Trung. Những con suối bên trong và bên ngoài trại tù đã trong hơn, chảy êm đềm hơn vì đã cạn dần nước. Tiếng ve sầu kêu rộn rã hơn trên những lũy tre xanh. Những rặng sầu đông nay lại um tùm cành lá, mơn mởn xanh tươi dưới nắng hè. Trại tù được thiên nhiên chia làm đôi bởi một con suối nhỏ. Phần phía tây con suối là những lán trại chính của ban chỉ huy và phần lớn tù nhân. Phía đông là những tổ rèn, tổ mộc và tổ tăng gia. Những tù nhân thuộc tổ tăng gia nhờ vào con suối nầy để tưới rau và làm vườn. Con suối nầy có hai điểm băng ngang, một ở tại một vùng nước cạn, ở đó dòng suối rộng khoảng hai mươi thước, một ở tại một nơi nước sâu hơn và có bắt một cây cầu gỗ bề rộng khoảng một thước và bề dài khoảng mười lăm thước.

  

Từ sau khi con heo bị bắt đi, mỗi chiều Khùng thường ra chiếc cầu nầy đứng nhìn xuống dòng suối. Nước êm ái nhẹ nhàng chảy xuôi về hướng bắc, nơi con suối hẹp hẳn lại ở một đỉnh dốc, nơi dòng suối bắt đầu chảy thật xiết, tạo nên tiếng rì rào của một ghềnh thác nhỏ với những tảng đá và lùm cây nằm cản dòng chảy. Dốc đó đổ xuống một vũng sâu trước khi con suối rẽ sang trái để đổ vào một đọan suối rộng bao la với màu nước đỏ ngầu nhưng yên tĩnh hơn, từ đó con suối dần dần hẹp lại để chảy về hướng tây cho đến khi khuất dạng. Hai hàng cây đủ loại cao ngất và um tùm hai bên bở suối che khuất cả bầu trời phía trên khiến con suối đã âm u lại càng âm u và ảm đạm hơn. Thỉnh thoảng Khùng đi ven theo bờ suối để đến đứng ngắm vùng nước rộng bao la nầy. Cái âm u của buổi chiều và tiếng nước chảy rì rào cơ hồ như đánh thức trong hắn một thế giới mông lung xa vắng nào đó. Nhưng hắn chỉ đứng ở đó một lúc thôi rồi quay lại đứng trên chiếc cầu gỗ cho đến khi trời tối hẳn. Không ai rõ hắn đang đăm chiêu nhìn dòng suối hay nhìn chính bóng mình in trong dòng nước.

  

Lúc đầu, vì thấy hắn đứng lâu ở đó, một vài tên cai tù đến bảo hắn đi chỗ khác mà không nói lý do. Nhưng vì chiều nào hắn cũng trở lại để đứng trên chiếc cầu như thế, các tên cai tù cũng không buồn đến đuổi nữa, có lẽ nghĩ rằng đó chỉ là thằng câm, không đáng chú ý. Thực ra mỗi chiều hắn đến đây chỉ để thấy bòng mình sau bao nhiêu năm đã đánh mất đi nhiều thứ. Và hắn có thể đến đây để tìm một thứ ánh sáng với một màu sắc nào đó nhằm thấy rõ hơn hình bóng của mình. Nhưng lịch sử chỉ có một màu sắc duy nhất; đó là màu của ánh sáng trong suốt; nhưng ngược lại lịch sử lại có rất nhiều thứ gương dị dạng để con người soi vào và tự đánh giá chính mình. Con suối không có những tấm gương dị dạng nhưng có dòng nước thay cho một trong những tấm gương dị dạng đó. Và hắn đã nhìn thấy được gì ở đó? Những không gian vời vợi của ngày xưa? Những pho tượng của những thành quách điêu tàn? Những lâu đài của một triều đại đã sụp đổ? Những thảo nguyên lộng gió trong những ngày đầu thu? Hay hắn chỉ nhìn thấy một hiện hữu vong thân và tan rã, một hành tinh đã mất hết hướng đi? Tấm gương dị dạng đó có phơi bày một phần không gian rất lạnh của những giá trị đã mất và một phần những vùng trời khô héo khi đạo quân thắng trận đi qua? Nhiều lần, trong tấm gương dị dạng đó hắn thấy mặt mủi hắn có một số lông vàng, hai hàm răng bắt đầu nhô ra; nhưng sau đó một cơn gió mạnh đã làm mặt nước dậy sóng và hình ảnh khác lạ đó biến mất. Chiều hôm sau và chiều hôm sau nữa hiện tượng đó không trở lại. Cho đến một ngày trong tháng bảy, tấm gương dị dạng dưới nước phản chiếu rất rõ khuôn mặt lông vàng rất dài và hai hàm răng nhô ra của hắn.  Lần nầy không có gió và mặt nước không hề dao động. Hắn liền đưa tay trái sờ mặt nhưng không cảm thấy có một sợi lông nào cả. Hắn đưa cả hai bàn tay ra xem, nhưng cũng tuyệt nhiên không thấy lông vàng.

  

Sau khi từ con suối trở về hắn nhận được tin báo sẽ ra tù vào ngày hôm sau. Không ai rõ có bao nhiêu người được trả tự do lần nầy trong toàn trại, nhưng phần phía đông bờ suối chỉ có một mình hắn được tha. Vì thấy Khùng vẫn bình thản và đi ngủ như thường lệ nên người ta nghĩ rằng hắn chẳng có gì phải chuẩn bị cả; khi đi thì chỉ việc đi thôi, đâu có hành trang gì để đóng gói mang theo. Những người được chuyển trại trước đây chỉ có vài phút để chuẩn bị trước khi ra chỗ tập trung, đâu cần phải được báo trước nguyên một đêm?

  

Chẳng bao lâu sau khi thiếp ngủ thì giấc mơ lại đến với hắn. Đầu tiên hắn thấy mình bay bổng trong một vùng không gian bao la bát ngát, ở đó hắn nhìn thấy Ải Nam Quan, Lạng Sơn, Cao Bằng và Thác Bản Giốc lung linh như những ánh hào quang trên đỉnh đầu của quê hương hình chữ S. Hắn nhìn thấy rừng núi uy linh của Lê Lợi, Trần Hưng Đạo; thấy Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Kai, Bắc Cạn, Hoàng Liên Sơn, và đồng bằng Sông Hồng cùng Bạch Đằng Giang và cuối cùng là Cố Đô Thăng Long. Hắn bay về chiêm ngưỡng quê hương của thi hào Nguyễn Du và sau đó là Dải Trường Sơn  hùng vĩ như con Đại Long. Trong lòng Dải Trường Sơn thần thoại đó là những thảo nguyên mênh mông, những miền đất lạnh của ngàn năm mây trắng, của Đà Lạt, Lâm Viên, Bảo Lộc, Đèo Ngoạn Mục, Suối Vàng... Cũng chạy dài theo con Đại Long uy linh đó là dòng Sông Bến Hải, Sông Hương, Núi Ngự, Đèo Hải Vân chập chùng, Sông Thu Bồn, Trà Khúc, Đèo Cù Mông, Sông Cầu, Đại Lãnh, Đèo Cả, Tháp Chàm…Tim óc hắn bỗng nhiên như bùng cháy khi nhìn lại Sài Gòn thân yêu của thời vàng son với danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông. Hắn không rõ đang ở vào tháng nào trong năm; nhưng hoa đã rộ nở khắp bình nguyên ở Đồng Tháp. Dòng Sông Vàm Cỏ lấp lánh trong nắng ban mai như những con rồng bạc. Cửu Long Giang chẻ dọc đồng bằng để cuộn mình xuôi về biển. Theo dòng chảy của Cửu Long Giang xuôi về chín cửa, hắn bắt đầu nhìn thấy Biển Đông. Bỗng nhiên trời đất đột ngột đổi màu hung dữ. Trước tiên hắn thấy xuất hiện một con tàu màu trắng dài gần như vô tận và bị hết lớp sóng nầy đến lớp sóng khác phủ hơn nửa phần sau. Gió lại ào đến; chớp lòe sáng như xé nát bầu trời đang dày đặt những đám mây đen; sấm liên hồi thịnh nộ. Con tàu tiếp tục đi về phía trước như không hay biết những đám mây đen, sấm chớp, và những đợt sóng thần đang phủ trên mình. Đoàn thủy thủ trong những bộ quân phục màu trắng đứng dài theo thành tàu ở hai bên. Khi sấm chớp nổi lên, hàng loạt những chiếc nón trắng của đoàn thủy thủ lần lượt tung bay lên không và biến thành những đàn hải âu bay ngược hướng con tàu, trong khi tất cả đoàn thủy thủ từ từ biến mất khỏi sân tàu và mặt biển. Những đợt sóng thần tiếp theo phủ nốt phần còn lại của con tàu, theo sau là một loạt những tiếng nổ long trời lở đất, rồi vô số những cột lửa ngùn ngụt bốc lên và lan rộng nhanh như sấm sét.

  

Khùng giật mình tĩnh dậy, toàn thân tiết ra một mùi hôi khó chịu như trong một chuồng thú. Khi đưa tay sờ mặt, hắn cảm thấy lông rất dài và rất nhiều trên hai má. Hắn ngồi dậy và ra khỏi giường. Hắn hoảng hốt khi nhận ra rằng không những trên mặt mà cả trên chân tay và thân hình của hắn cũng đầy lông. Hắn vội vàng ra khỏi lán với bộ quần áo may bằng bao cát trên người, đi thẳng về hướng lò rèn và rẽ phải để đi về hướng con suối. Trời tối như mực; nhưng vì quá quen đường nên hắn nhắm hướng mà đi. Từ lò rèn ra suối hắn phải đi theo con đường mòn len giữa hai đám khoai mì đã lên cao ngang vai của hắn. Cuối con đường mòn là hai lùm tre cao và rậm rập ở ngay đầu cây cầu gỗ. Sau khi vừa qua khỏi hai lùm tre, hắn sững sốt nhìn thấy dòng suối phát lên một loại ánh sáng vàng vọt tựa như ánh sáng của những buổi chiều mà hắn đến đây để ngắm bóng mình dưới nước. Hắn thực sự không hiểu tại sao lại có thứ ánh sáng đó vào lúc nửa đêm tăm tối như thế. Chiếc cầu gỗ trông rất rõ nhờ vào dòng ánh sáng quái dị đó. Khi khom người để nhìn xuống nước, hắn thấy mặt mình quả thực đầy lông vàng. Khi hắn nhìn hai tay, hai tay của hắn cũng quả thực đầy thứ lông vàng như thế. Và ngạc nhiên hơn, mặt suối không phản chiếu bộ quần áo được may bằng bao cát mà hắn đang mặc trên người mà phản chiếu toàn thân lông lá từ đầu đến chân. Trời đêm không có một chút gió nào nên mặt nước phản chiếu hình thù của hắn rất rõ. Hắn liệm người đi và cảm thấy toàn thân trở nên nặng hơn khiến cây cầu từ từ trĩu xuống mặt nước mỗi lúc một thấp hơn. Hai chân của hắn bắt đầu lạnh khi chạm nước, rồi đến hai gối, bụng, ngực, và cuối cùng là cổ. Bấy giờ hắn tĩnh lại và thấy đầu của mình đã ở ngay trên mặt nước nên hắn trông rất rõ khuôn mặt đầy lông màu vàng và hai hàm răng nhô hẳn ra dữ tợn.

  

Toàn thân hắn bắt đầu theo dòng nước trôi đi về đọan suối hẹp và đổ dốc. Càng lúc hắn càng nghe rõ hơn tiếng rì rào của dòng suối đang tuông về chỗ trũng. Cuối cùng thân thể của hắn theo dòng chảy lao nhanh xuống vực sâu trước khi rẽ trái sang vùng nước bao la mà mỗi chiều hắn thường đến để đứng ngắm. Loài ánh sáng vàng vọt lúc đầu bây giờ đã tắt hẳn và nhường chỗ cho màn đêm thăm thẳm. Linh hồn và thể xác của hắn từ từ trôi theo dòng suối mỗi lúc một hẹp dần như trôi về địa ngục. Màu sắc và loài ánh sáng trong suốt của lịch sử chấm dứt từ đó và tấm gương dị dạng cũng chấm dứt từ đó…đêm trước ngày ra tù. (………….)

<
Xin tìm đọc
THE SUN HUNTERS - NGƯỜI ĐI SĂN MẶT TRỜI - Đông Yên
Đã phát hành trên Amazon.com - (ISBN: 9781495808333)
Phiên bản bìa mềm có thể đặt mua với
(I) Đỉnh Sóng P.O. Box 8231 Fountain Valley, CA 92728 - (714) 473-3691 - dinh-song@att.net
(II) Nhà sách Tự Lực và các nhà sách VN tại Mỹ
Tu Luc Website: TULUC.COM
ĐT: (714) 531-5290 ** Email: buybooks@tuluc.com