THẰNG BỜM VÀ CHÚ CUỘI
Tạp Luận
ĐOÀN VĂN KHANH

Mỗi xã hội vào mỗi thời kỳ vẫn thường có những mẫu người lý tuởng, xuất phát từ những quan niệm triết học hay đạo đức đang lãnh đạo tinh thần xã hội đó, nhằm hướng dẫn họăc uốn nắn con người sống vào khuôn khổ. Mặt khác, do tác động của môi trường hay hoàn cảnh làm cho con người sống trong mỗi xã hội cũng đã tự động nảy sinh những lối sống, lối suy nghĩ và hành động giống nhau theo một kiểu cố định nào đó, lâu dần trở thành như những nét đặc trưng chung, từ đó đưa đến sự hình thành những mẫu người điển hình cho mỗi xã hội.

Nếu mẫu người lý tưởng là cái mẫu mực hoàn thiện để cho mỗi người noi theo thường có tính cách giả tạo và gò bó con người vào những khuôn mẫu định sẵn thì mẫu người điển hình lại là mẫu người hiện sinh và cụ thể, với những đặc tính có thật do kết quả tập thành của tác động xã hội hóa trên con người trong một môi trường và điều kiện xã hội nhất định. Chính vì tính tự phát mà mẫu người điển hình rất sống động, và mặc dù đôi khi được cường điệu hoá các khuyết điểm để mang tính chất khôi hài nhưng vẫn rất gần gũi với con người thật.

Xã hội Việt nam cũng đã đẻ ra nhiều mẫu người điển hình qua nhiều thời kỳ nhưng tiêu biểu nhất và trở thành phổ biến trong văn học dân gian vẫn là thằng Bờm và chú Cuội. Trong chúng ta không ai là không quen thuộc với cái tên thằng Bờm và chú Cuội, và hình như mỗi người trong chúng ta không ít thì nhiều cũng đã có lần bị người khác gọi mình bằng những cái tên đó. Thông thường người ta vẫn hay dùng hai từ này để trêu đùa người khác nhưng thực ra vẫn có một chút ngụ ý chê bai nào đó.

.

1.-THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO

Tên thằng Bờm có lẽ phát xuất từ cái lối để tóc của bé trai dân Việt ngày xưa, đầu tóc thường được cạo láng chỉ chừa một chỏm nhỏ phía trước trán giống như cái bờm con ngựa, còn sự tích về thằng Bờm thì không biết xuất xứ từ bao giờ. Tuy nhiên bài ca dao tiêu biểu về Bờm thì hầu như không ai là không thuộc nằm lòng:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười

Như vậy nói đến Bờm là nói về chuyện một đứa bé ngây ngô, chậm chạp, đôi khi quá thật thà, thường chỉ nhìn sự vật theo thói quen đơn giản nên dễ sinh ra ngớ ngẩn. Sống theo phận con nhà nghèo, vì Bờm chỉ có mỗi cái quạt mo, nên Bờm không có nhiều ham muốn cũng như không hề biết so sánh hay đòi hỏi, do đó nhu cầu của Bờm cũng không có gì khác hơn là được ăn để sống.

Từ cái hình ảnh này của Bờm người ta đã dùng Bờm để ám chỉ những ai cũng mang trong mình một số đặc tính căn bản như thật thàmột cách vụng về, chất phác đến độ gần như ngây ngô, không có những nhu cầu cao xa hay phức tạp mà chỉ thích an phận thủ thường; sống tự nhiên theo cái trật tự có sẵn trong thiên nhiên, không biết đua đòi hay bon chen cho nên hay có cái kiểu nằm chờ sung rụng; quen nhận định sự vật một cách thiển cận nên không thích lý luận sâu xa để tìm kiếm cho ra cái nguyên lý trừu tượng mà chỉ thích những biểu lộ tình cảm tự nhiên và tự phát như cái mỉm cười hài lòng khi thấy nắm xôi.

Có thể nói Bờm là hiện thân của con người của xã hội sơ khai còn giữ trong mình cái bản chất hiền lương nguyên thủy, sống một cách đơn giản, gần với thiên nhiên và tự nhiên, không có nhiều nhu cầu nên không cần vận dụng trí năng để khai thác thiên nhiên và bắt thiên nhiên phục vụ mình. Cái quạt mo phe phẩy chút hơi mát khi trời làm nóng nực và nắm xôi chắc bụng khi đói lòng đủ đáp ứng cho Bờm sống một cách bình thản và hài hòa với thiên nhiên, do đó Bờm hầu như không muốn có sự thay đổi nào phá vỡ cái trật tự đó.

Cũng vì thật thà, không biết suy luận để tìm hiểu nguyên nhân mà chỉ phán đoán theo cảm quan nên Bờm thường dễ tin qua tri giác hiện tượng bề ngoài và dễ bị lầm, và một khi Bờm đã tin thì cũng rất khó dùng lý trí để thuyết phục Bờmï từ bỏ điều sai lầm của mình trừ phi chính Bờmï cảm nhận được sự sai lầm bằng kinh nghiệm bản thân. Ngoài ra cũng vì chỉ biết hành xử theo thói quen nên Bờm cũng thường hay bảo thủ và cố chấp, chỉ muốn khư khư với sự hiểu biết hạn hẹp hay điều ham thích phù hợp với ước mơ của mình, do đó Bờm thường gây khó khăn trở ngại cho người khác khi muốn chỉ dạy cho Bờm một điều mới lạ hay muốn cùng Bờm hợp tác trong những công việc cần có óc suy luận và óc tổ chức.

Nhưng định luật tiến hóa bắt buộc theo thời gian mọi vật đều phải thay đổi và do đó Bờm cũng bị bắt buộc phải tập thích nghi với những điều kiện mới phức tạp hơn mỗi khi hoàn cảnh đổi thay. Nhưng vì bản chất vốn chậm chạp, vụng về và khờ khạo nên trong cách nhìn vấn đề và giải quyết vấn đề Bờm thường hay ngộ nhận và khi thực hiện thì dễ gây ra hư hỏng. Tuy nhiên vì thương cái bản chất hiền lương của Bờm nên người ta không nỡ trách Bờm cũng như người ta không bao giờ trách một đứa trẻ về những cái vụng dại của nó trước cuộc đời.

.

2.-THẰNG CUỘI NGỒI GỐC CÂY ÐA

Cái tên Cuội phát xuất từ đâu thì hình như không ai rõ nhưng cái hình ảnh thằng Cuội ngồi dưới gốc cây đa mơ mộng và cái thành ngữ "nói dối như Cuội" hay Cuội được hiểu như một tính từø đồng nghĩa với ranh mãnh dối trá thì ai cũng biết.

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ới ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cỡi ngựa đi mời ông Trăng

Theo như những giai thoại về Cuội thì Cuội là một đứa bé mồ côi cha nên được chú đem về nuôi. Do tính ham chơi nên khi được chú giao cho việc chăn trâu thì Cuội thường hay chểnh mảng bỏ mặc trâu ăn lúa. Tuy lanh lẹ và có lẽ cũng do thích đua đòi nhưng nhẹ dạ nên có lần Cuội cũng đã nghe theo lời xúi dại của chúng bạn giết cả trâu của chú làm thịt ăn với nhau cho nên mới sinh ra lắm chuyện rắc rối cho mình. Ðể tránh né bịï trừng phạt, Cuội đã phải nói dối và dùng mưu trí lừa gạt để gỡ mình ra khỏi cơn nguy khốn mà không cần biết hệ quả của sự dối trá, do đó từ sự lừa gạt dối trá này đẻ ra sự lừa gạt dối trá khác khiến cho Cuội cứ phải quanh quẩn với sự dối trá mãi mãi.

Tuy Cuội có tỏ ra khôn lanh và biết đua đòi nên có nhiều nhu cầu hơn Bờm nhưng thật ra Cuội cũng là mẫu người mang một bản chất đơn sơ nông nổi như Bờm, cho nên chỉ biết giải quyết nhu cầu theo đua đòi hiện tượng nhằm thỏa mãn tự ái chứ không biết giải quyết nhu cầu dựa trên căn bản óc tổ chức bằng những phương thức hợp lý. Do đó Cuội cũng chỉ biết dùng mưu trí để ứng phó với hoàn cảnh qua phương diện hiện tượng chứ không tìm hiểu bản chất của sự vật. Cũng vì không suy luận theo luận lý mà bằng liên tưởng của tri giác, lại hay mơ mộng hão huyền cho nên mới có câu truyện Cuội ngồi ôm gốc đa ở cung trăng.

Truyện kể có một ông Tiên cho vợ Cuội một cây đa và bảo đem về trồng trước sân. Ông Tiên căn dặn vợ Cuội phải tưới nước cho cây hàng ngày, nhưng không được tưới nước dơ bẩn vào gốc cây. Vợ Cuội dặn lại chồng điều này nhưng vốn hay nghễng ngãng nên một hôm Cuội quên mất lời vợ dặn bèn ra ngay gốc cây đa và tiểu tiện vào đấy. Cây đa liền bật rễ rồi từ từ bay lên cao. Cuội hoảng quá lại sợ mất cây đa của vợ bèn ôm lấy gốc cây cố níu trở lại, nhưng cây vẫn tiếp tục bay lên mãi và bay thẳng về cung trăng, mang luôn cả Cuội theo để từ đấy đêm đêm Cuội lại ngồi ở gốc đa trên cung trăng nhìn về trần gian.

Phải nói là dù sao thì bản chất Cuội vẫn không phải là xấu vì Cuội không hề có chủ tâm hại người khác để mưu cầu lợi cho mình mà chỉ muốn cho mình cũng được như người, nhưng vì Cuội không có cách giải quyết hợp lý ước muốn của mình cho nên mới sinh ra "túng làm càn". Rồi cũng vì làm bậy mà Cuội đã vô tình làm phương hại đến người khác đưa đến bản thân gặp phải rắc rối nên Cuội lại mới nảy sinh ra "cái khó nó bó cái khôn". Nhưng cái khôn của Cuội cũng rất giới hạn vì chỉ nhằm mục đích gỡ cho mình được "tai qua nạn khỏi" khi hoàn cảnh bế tắc chứ không nhằm sáng tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển về lâu dài của mình.

Tóm lại thì thằng Bờm hay chú Cuội đều là những nhân vật điển hình trong xã hội Việt nam. Cả hai đều mang trong mình những ưu điểm bẩm sinh nhưng đồng thời cũng có vô số nhược điểm kết thành từ những va chạm với cuộc sống. Bờm thường thụ động nên hướng nội, muốn bảo thủ; còn Cuội năng động hơn nên có vẻ như hướng ngoại, nhưng thực ra thì Cuội cũng chỉ ứng phó theo bản năng để bảo tồn mình chứ không phát huy được bản ngã của mình. Do đó mà chúng ta cũng có thể nói Bờm và Cuội chỉ là sự biểu hiện của hai cách thế phản ứng trước hoàn cảnh sống tác động trên con người, trong đó mọi hành động đều do "đói đầu gối phải bò". Tuy nhiên vì chỉ biết suy nghĩ bằng cái bụng "suy bụng ta ra bụng người" chứ không thích suy nghĩ bằng đầu óc nên không phát triển được óc duy lý và vì thế mà Bờm và Cuội cứ luẩn quẩn mãi trong những bế tắc của chính mình mà không làm sao giải quyết được.

.

3.-TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI

Sử Trung quốc có kể chuyện xưa khi được vua Tề vấn kế về quốc sự, Quản Trọng đã đáp : "Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân." ( Kế hoạch một năm, không gì bằng trồng lúa ; kế hoạch mười năm, không gì bằng trồng cây; kế hoạch trăm năm, không gì bằng trồng người.) Cái quan niệm trồng người này không phải chỉ riêng có Quản Trọng mới chú trọng đến mà phải nói kể từ khi con người biết tổ chức đời sống xã hội là con người đã nghĩ đến việc trồng người.

Triết gia Platon thời Cổ Hy lạp khi bàn về thể chế Cộng hòa cũng đã phác họa ra một xã hội lý tưởng phải là một xã hội được phân công theo lý trí, do đó phải được phân giai cấp và cũng đã đề ra những mẫu người xã hội cho từng giai cấp. Xã hội Ấn độ xưa kia đã từng được phân chia thành năm đẳng cấp khép kín với năm mẫu người khác nhau. Xã hội Trung hoa của thời đại quân chủ phong kiến cũng đã đề ra những mẫu người cho mỗi thành phần xã hội như sĩ, nông, công, thương, binh... Thời hiện đại thì có bao nhiêu triết thuyết hay chủ nghĩa là có bấy nhiêu mẫu người xã hội, nhưng đáng kể nhất trong thời gian vừa qua là hai mẫu người đối kháng được hai thế lực tranh quyền bá chủ hoàn cầu đem ra áp dụng vào tổ chức xã hội, đó là mẫu người cộng sản theo chủ thuyết Marx-Lenin vàngười công dân tự do theo Hiến pháp quy định của Hoa kỳ.

Vì mẫu người lý tưởng là sự kết hợp những tiêu chuẩn theo lý trí hay giá trị tinh thần, cho nên đó chỉ là những mô hình do con người quan niệm nên bao giờ cũng mang tính chất trừu tượng, khác với con người cụ thể, và mỗi khi con người thay đổi quan niệm thì mẫu người lý tưởng cũng thay đổi cho phù hợp với những tiêu chuẩn giá trị mới được con người đề ra, khác với mẫu người điển hình thường có tính cách xã hội nên sẽ vẫn còn tồn tại nếu những điều kiện tâm lý và xã hội tác động chưa thay đổi.

Xã hội Việt nam qua hai ngàn năm huyền sử, con người đã sống và suy nghĩ như thế nào thì không có sử liệu để chứng minh. Nhưng kể từ khi bắt đầu Bắc thuộc thời đại thì người dân Việt cũng đã phải chấp nhận nền văn hóa Trung hoa tác động lên trên nếp sinh hoạt của mình để biết đua đòi đi tìm tri thức như câu ca dao:

Chẳng tham vựa lúa anh đầy
Tham dăm ba chữ cho tày thế gian

Tuy nhiên trong cái nhìn thực tế và thiển cận bằng kinh nghiệm của người bình dân, được thể hiện qua hình ảnh thằng Bờm và chú Cuội thì tri thức và những lễ nghĩa hình thức con người nghĩ ra để vẽ vời thêm cho đời sống không cần thiết bằng cái ăn là cái bảo đảm cho sự sống con người. "Có thực mới vực được đạo". Mà cái ăn của kẻ bị trị thì lại nằm trong tay kẻ thống trị, những kẻ rao giảng những tư tưởng cao siêu đẹp đẽ nhưng lại đang lăm le cướp đi cái lẽ sống của Bờm và Cuội. Còn Bờm và Cuội thì cứ phải "còng lưng làm cho ngỏng lưng ăn" nên không bao giờ ngóc đầu lên được. Do cái kinh nghiệm thực tế này chi phối nhãn quan của mình mà người dân Việt cũng thường khi mâu thuẫn trong những nhận định của mình như:

Quân tử là quân tử Tàu
Ăn cơm thì ít ăn rau thì nhiều

Ðôi khi lối nhận định này còn được biểu lộ một cách mỉa mai chua chát hơn như:

Ra đường võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ, cám rang đâu mày
Cám rang tôi để cối xay
Hễ chó ăn mất thì mày với ông

Chính vì không đặt nặng vấn đề tri thức như được biểu lộ qua cách đánh giá: "nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ " mà đôi khi người dân Việt không mấy tin vào những tư tưởng cao siêu và đã biến thái những mẫu người lý tưởng thành những con người "ngu si hưởng thái bình" hay "quân tử nói đi nói lại" để sống còn.

Nếu nhờ biết kiên trì với bản chất của mình mà người dân Việt không bị người Trung hoa đồng hóa thì trái lại, vì cái nề nếp suy nghĩ và hành xử kiểu thằng Bờm và chú Cuội ăn sâu vào tiềm thức khiến cho con người không phát triển được tri thức nên vẫn cứ loay hoay với những bế tắc và đành cứ phải "giật gấu vá vai" khiến cho con người không bao giờ thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bất công và đói nghèo, còn đất nước nếu không bị nạn ngoại xâm tàn phá thì dân tộc cũng lại quay ra chia rẽ, xâu xé nhau để mà tranh sống.

Khi người Pháp sang xâm chiếm Việt nam đã dùng cái chiêu bài đem ánh sáng của nền văn minh Tây phương ra khai hóa cho một dân tộc bị cho là man di, nhưng với chính sách thực dân khai thác thuộc địa, những người dân Việt đói ăn vẫn thấy mình nai lưng ra làm giàu cho kẻ thống trị chứ chưa bao giờ thấy được ánh sáng của tư tưởng Tự do, Bình đẳng rọi tới tâm hồn. Vì thế mà khi chủ nghĩa thực dân suy yếu và đau lòng trước cảnh hai triệu đồng bào chết đói thì người dân Việt cũng đã rủ nhau vùng lên đập nát phố phường , tay tầm vông mã tấu để đi theo tiếng gọi của núi rừng âm u "thề phân thây uống máu quân thù"* mà không cần biết rồi đây mình sẽ xây dựng ngày mai bằng cách nào và ra sao.

Hồ chí Minh đã mang chủ nghĩa Cộng sản vào Việt nam với sự mơ tưởng làm một cuộc cách mạng xã hội trên mảnh đất ngàn đời phong kiến cũng đã không ngớt nhắc đi nhắc lại cái quan niệm trồng người. Tuy nhiên với bản chất Bờm và Cuội tiềm tàng trong người, Hồ chí Minh cũng đã không thoát ra khỏi cái vòng suy luận theo cảm quan nên những mục tiêu chính trị của dân tộc như "Ðộc lập, Tự do" vẫn gắn liền với những hình ảnh cụ thể như "cơm ăn áo mặc", và khi muốn tỏ ra mình là kẻ chỉ biết hy sinh cho cách mạng thì lại bộc lộ những ý tưởng mâu thuẫn với mục tiêu của cách mạng mà chỉ là mơ ước của một con người chỉ biết quanh quẩn với những mơ ước của một xã hội cổ sơ: "...làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi..." (lời tuyên bố của Hồ chí Minh trong một buổi gặp gỡ với các nhà báo đầu năm 1946).

Chính vì thế mà đa số người dân Việt đã đón nhận cái gọi là cuộc Cách mạng không phải như một khởi điểm cho sự cải tạo xã hội mà như là một cơ hội để thỏa mãn ước mơ thấy mình được no cơm ấm áo và duy trì cái bản chất mơ mộng viển vông của mình. Sự mơ tưởng ngây ngô đó đã vô tình kéo con người về lại bản năng mà không còn phát triển được tri thức. Chính vì cứ "thả mồi bắt bóng" mà người dân Việt đã vô tình bị tập đoàn cộng sản lôi kéo vào những hy sinh phi lý mà không biết vì sao.

Người cộng sản nhờ áp dụng cái ranh mãnh và dối trá của Cuội nên đã thành công trong âm mưu nắm lấy thời cơ và loại bỏ mọi đối thủ, nhưng cũng vì suy nghĩ như Cuội nên họ đã không giải quyết được vấn đề kinh tế. Thêm vào đó, do áp dụng những chính sách khủng bố và phá hoại theo kiểu " không được ăn thì đạp đổ " để nắm lấy quyền hành đã làm cho người dân trở thành bần cùng. Còn mộng tưởng xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa theo những ý niệm trừu tượng và không tưởng mà họ vay mượn từ bên ngoài để thiết lập một xã hội mới thực ra chỉ là cái áo khoác duy lý của thời đại mà họ mượn để che đậy cho cái bản chất Bờm và Cuội phản duy lý của mình.

Khi người Mỹ có ý định biến Miền nam Việt nam thành một tiền đồn chống cộng cũng đã cho du nhập cái quan niệm Tự do Dân chủ pháp trị kiểu Hoa kỳ vào Việt nam và cũng đã cố gắng trồng người bằng cách đào tạo một tầng lớp trí thức mới nhưng vì cái triết học thực tiễn của người Mỹ lại đi kèm với thế lực của đồng tiền cùng với sự thí nghiệm những chính sách "thử và sai lầm", nhất là hành động can thiệp bằng quân sự đã khiến cho cái quan niệm Tự do Dân chủ pháp trị không bắt rễ được trong những tâm hồn người dân Việt giàu tình cảm quê hương nhưng mang mặc cảm đói nghèo và không quen với duy lý, do đó nếu không tỏ ra có thái độ bài bác thì lại chỉ nhìn thấy nhu cầu hiện tượng và chạy theo nhu cầu hiện tượng. Ðiều này đã đưa đến nhiều vụ chính biến tạo cho Miền Nam trở thành rối loạn và càng lệ thuộc vào Mỹ, còn ở Miền Bắc thì người Cộng sản có cớ để khai thác thêm cho cái tinh thần yêu nước của người dân với chiêu bài "đánh cho Mỹ cút" để bắt nhân dân phải hy sinh nhiều hơn và càng lao mình vào chiến tranh. Rốt cuộc Miền Bắc thì kiệt quệ, còn Miền Nam thì một Tổng thống bị giết, một triệu người bị thương vong vì bom đạn và một quân đội đến ngày bị bức tử, mới ngỡ ngàng không biết mình đã chiến đấu cho ai, và cảm thấy công lao của mình chỉ là công dã tràng xe cát.

Suốt hơn nửa thế kỷ kể từ ngày dân tộc Việt nam vùng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ của thực dân và phát xít, mơ ước làm một cuộc cách mạng biến dân tộc thành phú cường, nhưng cũng vì chỉ biết lo phá hoại mà không biết xây dựng cho nên " gậy ông lại đập lưng ông" khiến cho đất nước "đã nghèo còn vướng phải cái eo." Rốt cuộc nền kinh tế càng ngày càng lâm vào vòng phá sản và xã hội thì trở thành băng hoại, còn con người thì đánh mất niềm tin những gì được coi là lý tưởng và hầu như cũng đang đánh mất luôn cái bản năng hiền lương của mình.

.

4.-ƯỚC MƠ LÀM PHÒ MÃ KHÔNG KHỐ

Huyền thoại Việt nam có một câu truyện bộc lộ một quan niệm về nhân sinh rất độc đáo của dân tộc Việt nam, đó là chuyện Chữ đồng tử lấy công chúa con vua Hùng.

Chữ đồng tử là một thanh niên nghèo đến nỗi gia đình có hai cha con thì cả hai phải chung nhau một chiếc khố. Khi cha chết, Chữ đồng tử chôn cất cha với chiếc khố nên từ đó đành ở truồng. Một hôm Chữ đồng tử đang xúc tép ở bờ sông thì có công chúa đi dạo qua. Chữ đồng tử sợ công chúa bắt gặp bèn vùi mình trốn dưới cát. Công chúa nhìn thấy sông nước mát bèn sai đám tì nữ vây mành nơi bãi cát rồi xách nước lên cho mình tắm. Do một sự ngẫu nhiên đã khiến cho chỗ vây mành lại đúng vào nơi Chữ đồng tử đang trốn cho nên khi công chúa dội nước thì cát trôi đi để lộ nguyên hình Chữ đồng tử nằm dưới chân mình. Cho là duyên số trời định nên công chúa bèn kết hôn với Chữ đồng tử.

Thời vua Hùng trị vì nước Văn lang, cơ cấu xã hội chưa được tổ chức thành hệ thống phân minh và chặt chẽ. Giữa Vua hay các Lạc hầu, Lạc tướng và dân chúng hình như cũng không có những sự cách biệt đáng kể. Cứ xem như việc cho rằng Chữ đồng tử lấy được công chúa con vua Hùng thì ta cũng có thể đoán được nếp sống bình dị vào thời ấy.

Câu truyện thật giản dị nhưng lại mang một ý nghĩa nhân bản rất lớn. Hai nhân vật trong truyện đã đến với nhau trong mối tương quan con người với con người ban sơ chứ không phải con người đã bị phân hóa và ràng buộc vào trong những ước lệ xã hội đặt ra. Và đây cũng có lẽ là thời đại mà con người dễ tìm thấy hạnh phúc nhất.

Người dân Việt nam ngày nay cho dù đã trải qua bao nhiêu biến đổi và đang sống trong kỷ nguyên điện tử, nhưng vì không đuổi kịp nền văn minh duy lý hoặc do cảm thấy mệt mỏi vì những nhu cầu do xã hội duy lý gây ra nên nhiều khi cũng đâm ra mơ ước trở về với một thời đại Hùng vương xa xưa, khi con người chưa bị vong thân vì những quan niệm của lý trí mà chỉ biết sống theo tình người. Ðiều này phải chăng cũng là một minh chứng cho thấy trong tâm hồn người Việt nam vẫn tiềm tàng cái bản chất Cuội và Bờm không ít thì nhiều.

Nếu nhìn vào hình ảnh thằng Bờm và chú Cuội để tìm hiểu mong muốn của người dân Việt thì chẳng qua cũng chỉ là được ăn no và được sống yên lành. Tuy nhiên cả hai nhu cầu cơ bản trên của Bờm và Cuội vẫn chưa bao giờ được thoả mãn mà Bờm và Cuội lại không chịu thoát ly ra khỏi cái nề nếp cố hữu của mình nên không bao giờ giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Cái nghịch lý trong tâm hồn Việt nam là vẫn thấy được cái khuyết điểm của mình qua hình ảnh thằng Bờm và chú Cuội nhưng lại vẫn cứ thích bám víu vào những ước mơ tưởng tượng hay chạy đuổi theo nhu cầu hiện tượng một cách chủ quan và thiển cận chứ không thích phân tích và suy luận để cải đổi chính mình.

Có thể nói về phương diện tình cảm, con người Việt nam rất đáng tự hào về tình yêu đất nước và đồng bào nhưng về phương diện lý trí, cái tinh thần tiêu cực trong sự đi tìm một sự đổi mới xã hội đã làm cho trong suốt quá trình lịch sử, mỗi khi có sự tiếp xúc với một nền văn hóa khác khiến cho điều kiện sống bị ảnh hưởng, người dân Việt dù có miễn cưỡng phải chấp nhận những đổi thay nào đó, nhưng trong thâm tâm vẫn xem đó chẳng qua cũng chỉ là hiện tượng nhất thời, nên không bao giờ cảm nhận thấy sự cần thiết phải cải tạo chính mình để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn.

Qua bao nhiêu ngàn năm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa ưu thắng khác nhau tác động vào đời sống xã hội, người dân Việt vẫn quen nhìn sự vật qua hiện tượng và sống theo con người hiện sinh đầy duy cảm của mình cho nên chưa bao giờ chấp nhận tinh thần duy lý, do đó mà nếu không bị cái nhu cầu ăn thúc bách thì cũng bị mê hoặc trong những nhu cầu hiện tượng cấp thời khiến cho không thể nhìn thấy cái tiến trình của một sự nỗ lực hợp lý lâu dài để giải quyết vấn đề. Chính vì thế mà muốn làm một cuộc cách mạng xã hội thực sự, người Việt nam cần phải biết cách mạng tư duy song song với việc giải quyết vấn đề kinh tế, nếu không thì cho dù áp dụng học thuyết nào đi nữa cũng dễ sinh ra biến thái để trở thành lệch lạc đưa đến sự đổ vỡ hoặc không mang lại thành công.

ĐOÀN VĂN KHANH
Ao Sau Vườn    

* Lời trong bài Tiến Quân ca của Văn Cao