Dinh Song

Âm Nhạc
* Triết Nhạc Hải Đăng I
* Triết Nhạc Hải Đăng II
* Triết Nhạc Hải Đăng III
* Triết Nhạc Hải Đăng IV
Khoa Học Điện Toán
* Từ Điển Tin Học
Triết Học
* Triết Học, Khoa Học, và Tiến Hóa
Truyện Ngắn Đông Yên
* The Sun Hunters (Người đi săn mặt trời)
* Câu Chuyện một Dòng Sông
* Hẹn Nhau trươc Giao Thừa
* Ngôi Sao Đen
Thơ Đông Yên
* Loài Chim Du Mục
Thơ dịch
* Thí Ca Lãng Mạn Pháp
* Tuyển Tập Thi Ca Anh Mỹ
* Robert Frost Tuyển Tập I
* Emily Dickinson Truyển Tập I
Không Phát Hành
* Edgar Allan Poe Thơ Tuyển Tập
* Edgar Allan Poe Truyện Ngắn Tuyển Tập I
* Edgar Allan Poe Truyện Ngắn Tuyển Tập II
* Edgar Allan Poe Truyện Ngắn Tuyển Tập III
* Edgar Allan Poe Truyện Ngắn Tuyển Tập IV
* Edgar Allan Poe Truyện Ngắn Tuyển Tập V
* Thi Ca Tuyển Tập Anh Mỹ - 2nd Edition
* Robert Frost Tuyển Tập - 2nd Edition
* Emily Dickinson Tuyển Tập - 2nd Edition
Truyện Dịch Song Ngữ
* Truyện Ngắn Song Ngữ I
* Truyện Ngắn Song Ngữ II
Vũ Trụ Học
* Cuộc Chiến Hố Đen
* Thiết Kế Vĩ Đại
* Vũ Trụ từ Hư Không
* Lai Lịch Thời Gian
Đĩa Bay & Người Hành Tinh
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh I
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh II
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh III
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh IV
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh V
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh VI
* Đĩa Bay và Người Hành Tinh VII
Lá Thư Mười Năm Trước
Trích từ "Hành Trang về Mạn Ngược"

(...) Đoàn Thức con, Câu chuyện bắt đầu vào giữa mùa đông của năm 1950, khoảng năm năm sau khi cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh đã chính thức bắt đầu. Dân chúng từ các vùng đồng bằng từ lâu đã chạy loạn và tản cư về miền cao như Quế Sơn, Tiên Phước, rồi xa hơn nữa đến tận những vùng núi non hiểm trở tận trên Dải Trường Sơn. Lúc bấy giờ, vì không chịu nổi cảnh đìu hiu hút gió ở trên các vùng rừng thiêng nước độc, một số người tản cư đã gồng gánh xuống lại những vùng thấp hơn gần đồng bằng. Nhưng không một ai dám trở lại đồng bằng hoặc duyên hải. Năm 1950 cũng là năm xảy một trận bão lớn từ duyên hải đến những vùng cao, trong đó có Quế Sơn. Trận bão kéo theo một trận lụt khủng khiếp tại những vùng hạ lưu ở đồng bằng như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... Đói kém và bệnh tật tràn lan khắp miền. Gia đình ta lúc đó không đi tản cư mặc dù Quế Sơn bấy giờ cũng thường bị máy bay của Pháp oanh tạc. Thỉnh thoảng một số gia đình tản cư từ những vùng thấp đến xin tạm trú tại nhà thầy. Họ chỉ đến nương náu một thời gian ngắn rồi lại đi nơi khác, có lẽ vì họ thấy Quế Sơn chưa phải là một nơi an toàn trong một cuộc chiến mới bắt đầu.
Vào một buổi chiều năm đó, năm 1950, một người đàn bà rách rưới đi vào nhà ta trong cơn mưa, đầu đội chiếc nón lá, lưng cõng một đứa bé, một tay giữ một rổ nồi niêu, tay kia bồng một đứa bé thứ hai. Vì biết đó là một người tản cư nên mẹ của con ra mở cửa đón người đàn bà đó vào. Người đàn bà độ tuổi ba mươi nhưng có lẽ không quá bốn mươi, xanh xao và hốc hác. Thầy mẹ lúc bấy giờ cũng xấp xỉ tuổi của người phụ nữ đó. Thấy người đàn bà và hai đứa bé đang lạnh run vì bị mưa ướt toàn thân, mẹ vội kéo họ vào bên trong và đóng cửa lại cho đỡ gió, đưa họ đi tắm rửa và thay áo quần. Ngoài bộ quần áo trên người, người đàn bà không có một bộ nào khác mang theo. Mẹ đưa tạm cho bà một bộ áo quần của mẹ. Đứa bé cõng sau lưng là một bé gái khoảng bốn tuổi và đứa kia là một bé trai, khoảng hai tuổi. Gia đình ta lúc bấy giờ chỉ có Hồng và Oanh, hai chị em sinh đôi, nên không có áo quần con trai. Mẹ cho đứa bé trai mặc đồ con gái luôn.
Bấy giờ, trước mặt thầy mẹ, người đàn bà vừa rưng rưng nước mắt vừa nói,
- "Em xin đội ơn ông bà..."
Mẹ liền ngắt lời và nói,
- "Chị đừng gọi chúng tôi là ông bà. Tuổi chúng tôi cũng bằng tuổi chị thôi. Trong thời buổi loạn ly, giúp nhau là chuyện bình thường không có gì phải cám ơn. Biết đâu rồi đây chúng tôi cũng phải bỏ nhà mà đi tản cư nơi khác, dạo nầy máy bay Pháp bắn phá dữ quá."
Thầy bèn hỏi người đàn bà,
- "Thế chị từ đâu tản cư đến đây? "
- "Quê em ở Trà Kiệu, chạy loạn từ năm 1947, lúc cháu gái của em mới hơn một tuổi và cháu trai nầy còn trong bụng mẹ. Sau khi vượt Đèo Cây Trao, hai vợ chồng em cùng bé gái đã đi đến nhiều nơi như Đại Lộc, Nghi Hạ, Nghi Sơn, Minh Huy, Phú Toãn. Vì thấy cảnh chết chóc vì đạn bom dọc đường nhiều quá nên chúng em cố lên vùng rừng núi càng cao càng tốt. Cuối cùng chúng em đến được Bình Huề. Nghe người địa phương gọi thế nên chúng em chỉ biết thế chứ chẳng biết Bình Huề là ở đâu cả. "
Thầy ngắt lời,
- "Không có một gia đình nào khác đi về hướng Bình Huề đó sao? "
- "Lúc đầu chúng em tưởng có, và có lẽ họ đi phía sau; nhưng khi đến nơi và nhìn lại, chúng em mới biết không có ai ở phía sau cả. Ban đầu chúng em chẳng thấy nhà cửa ở đâu để xin tá túc. Nhà em để mẹ con em dưới núi và cố đi tìm người địa phương để xin ở đậu. Cuối cùng nhà em gặp một người đàn ông trạc tuổi bốn mươi đang vác một cái bẫy cọp đi lên núi. Nhà ông ở trên một sườn núi cao và sống ở đó một mình. Vì biết chúng em đi tản cư nên ông bằng lòng cho gia đình em tá túc. Sau khi đi cùng ông đến nhà cho biết đường, nhà em quay trở lại đón mẹ con em lên. Anh bồng cháu gái và xách hết đồ đạc, để em đi tay không vì em đang mang thai hơn bốn tháng. Em từng bước leo lên núi cao mà nước mắt cứ chực tuôn trào. Vì sợ ảnh hưởng đến cái bào thai trong bụng nên em phải cầm nước mắt. Bên trái của lối đi là một con suối đang rì rào chảy xuống từ trên đỉnh. Về sau chính con suối đó là nơi vợ chồng em và con em xuống tắm giặt mỗi ngày. Gần đến nhà, đường đi được xén thành những bậc tam cấp với hai hàng chiêm chiêm cao ngất. Trái từ những cội chiêm chiêm nầy rơi xuống mặt đất và vỡ tung tóe thành những vũng đỏ như máu. Dường như đó là loài cây không trồng mà mọc, vì cả người, khỉ và chim đều không thể ăn trái chiêm chiêm. Bấy giờ em mới hiểu được thế nào là khỉ ho cò gáy. Chúng em được biết tên người chủ nhà là Thủ Tứ. Mặc dù ông sống một mình, gian nhà của ông ấy sang trọng không khác một điền chủ ở đồng bằng. Nhà có ba gian và nhà bếp riêng. Ông có một vườn quế phía sau và phía bên hông nhà. Ông để vợ chồng em và con ngủ ở gian gần nhà bếp cho tiện."
Đến đây, chị vừa dùng tay chỉ đứa con trai, vừa nói tiếp,
- Khoảng bốn tháng sau khi đến ở đó, em sanh cháu trai nầy. Hoàn cảnh nào theo hoàn cảnh đó; chỉ có hai vợ chồng tự lo liệu việc sinh đẻ của em, không có bà mụ, bà con nội ngoại hay hàng xóm như khi ở nhà. Đến cuối năm 1948, nhà em bị sốt rét nặng. Khi sốt lên thì mồ hôi tuôn ra dầm dề cả người. Khi lạnh thì không đủ mền để đắp. Thuốc men không có nên chúng em đành cắn răng nhìn số phận. Mỗi ngày khi nhìn chồng quằn quại rên xiết lòng em đau như cắt, nhưng biết sao. Cho đến giữa tháng chạp năm đó, nhà em qua đời. Ông Thủ Tứ bằng lòng cho chôn nhà em trong khu vườn quế của ông, thay vì phải chôn trong núi. Một mình ông lo liệu việc chôn cất chồng em, từ việc liệm xác cho đến đào huyệt và chôn lấp. Không có hòm nên ông chỉ quấn thi thể của chồng em trong một chiếc chiếu. Theo lời xin của em, ông đã kiếm được hai tảng đá lớn và đặt mỗi tảng ở mỗi đầu mộ để làm dấu cho mai sau. Em hy vọng sau chiến tranh em sẽ trở lại đây bốc xác của chồng. Ông cũng chôn chồng em giữa hai cây quế lớn nhất trong vườn để dễ nhận sau nầy. Vài tháng sau, em quyết định về lại đồng bằng bất chấp đạn bom và nguy hiểm, vì nếu không thì cả ba mẹ con sẽ chôn thây ở đó vì đói rét và bệnh tật.
Thấy tình cảnh neo đơn của em, ông Thủ Tứ chỉ còn biết tiễn mẹ con em xuống núi. Ông đưa mẹ con em đến một cơ quan hành chánh cách đó khoảng một cây số để xin họ giúp đỡ. Cơ quan nầy nằm cạnh một con sông nhỏ chạy giữa hai ngọn núi thật cao. Tại cơ quan hành chánh nầy cũng đã có một số gia đình tản cư đang tạm trú trong khi chưa tìm được nơi tá túc. Hôm sau một thiếu nữ trong ủy ban nầy đưa mẹ con em xuống một vùng đông dân hơn và từ đó mẹ con em tự định liệu nơi đến kế tiếp. Bấy giờ em mới biết thiếu nữ nầy đã đưa mẹ con em đến một cơ quan hành chánh khác ở Tà Lu để nhờ họ giúp đỡ tiếp mẹ con em. Nhờ vào sự giúp đỡ của cơ quan hành chánh Tà Lu, Cuối cùng mẹ con em về lại được Quế Sơn. Đến đây con trai em đã gần như kiệt sức trong khi cháu gái cứ khóc suốt. Còn em thì đã rã rời như một thân cây khô, sống chết không biết ngày nào, và nếu chết thì không biết bỏ hai đứa con cho ai.
Trời Phật đã phù hộ mẹ con em đến được nhà anh chị. Bây giờ em chỉ van xin anh chị một hồng ân là cưu mang bớt cho em đứa cháu trai còn quá nhỏ của em. Nếu em giữ nó lại với em thì có thể cả ba mẹ con đều chết hết nay mai. Nếu còn sống em sẽ thường xuyên quay lại đây thăm con. Ơn anh chị em sẽ muôn đời muôn kiếp không quên.
Tất cả đều im lặng. Một lúc sau mẹ quay mặt sang thầy và hỏi,
- "Chị ấy nói thế thầy nghĩ sao?"
- "Chỉ tội chị phải lìa bỏ con mình trong bước gian truân như thế nầy. Chúng tôi cũng thừa thấy chị không thể nào tiếp tục cưu mang cả hai cháu. Trong hoàn cảnh nầy chưa chắc một mình chị đã tự lo cho bản thân được chưa, đừng nói đến hai con. Sức lực, tiền bạc, bệnh tật, tai họa... Biết đâu rồi đây chúng tôi cũng phải bỏ nhà lao đao như chị; nhưng giai đoạn nào hay giai đoạn đó, giúp được chị lúc nào hay lúc đó, biết sao. Chị yên tâm để cháu lại đây. Chúng tôi sẽ nuôi dưỡng cháu như chính con ruột của chúng tôi. Vợ chồng tôi chỉ có hai cháu gái sinh đôi, không lớn hơn cháu trai của chị bao nhiêu."
Người đàn bà ôm chặt đứa con trai vào lòng lần cuối trong khi nước mắt tuôn tràn trên má.
- "Mẹ van xin con hãy tha thứ cho người mẹ khốn khổ nầy. Mẹ không nở bỏ con mà đi nhưng, trong hoàn cảnh nầy, mẹ cũng không nỡ giữ con để tất cả chúng ta đều chết. Trăm lạy con , ngàn lạy con. Mẹ đi đây."
Khi người phụ nữ buông đưa bé ra, nó cứ đăm đăm nhìn mẹ nó và đưa hai tay đòi mẹ bồng trở lại. Dường như linh tính hay một thứ bản năng nào đó nói với nó rằng nó sắp mất mẹ, sau khi đã mất cha. Người đàn bà liền quay mặt đi, xốc lấy đứa con gái rồi phóng nhanh ra ngỏ, đi biệt, thậm chí không kịp cáo từ thầy mẹ. Khi thấy mẹ phóng đi, thằng bé lăn mình ra gào thét, trườn người về phía cửa như cố nắm bắt người mẹ đã bị chiến tranh và bất hạnh cướp đi khỏi cuộc đời nó. Trong khi đó, đứa bé gái vừa khóc sướt mướt vừa trườn người khỏi tay mẹ, hai tay đưa về phía đứa em bị bỏ lại của nó. Tiếng gào thét của nó yếu dần khi người mẹ lao người đi nhanh hơn. Bên ngoài trời tiếp tục mưa và sấm chớp liên hồi thịnh nộ. Tiếng nhái bắt đầu rên rỉ than van như vừa tiễn đưa hai linh hồn bất hạnh vào chiến tranh và bão tố. Đứa bé trai gào thét mỗi lúc một lớn hơn, vừa gào thét vừa nhìn ra phương trời mà mẹ nó và chị nó đang bôn tẩu nhưng chẳng biết bôn tẩu về đâu. Bóng đêm từ từ buông xuống như để che kín toàn bộ cái không gian mà đưa bé không muốn ngoảnh mặt quay đi. Sau đó, cùng với bóng đêm, đứa bé nguôi dần và thiếp ngủ trên đôi tay của mẹ con.
Từ đó trở đi máy bay Pháp tăng cường oanh tạc và đốt cháy nhiều làng mạc ở Quế Sơn bằng bom xăng. Thầy mẹ bắt đầu nao núng và, cuối cùng, phải ra đi. Đầu tiên thầy mẹ và gia đình, trong đó có thêm đứa bé trai mới nhận, tản cư lên Nông Sơn một thời gian. Sau đó thầy mẹ vòng xuống Tam Kỳ và ở đó cho đến ngày đình chiến vào năm 1954.
Từ ngày người đàn bà rời nhà thầy mẹ và để lại đứa con trai cho đến nay, thầy mẹ không hề gặp lại bà.
Thức con, người mẹ đáng thương đó chính là mẹ ruột của con, đứa bé gái mà bà mang đi là chị ruột của con và đứa bé trai mà thầy mẹ nhận nuôi chính là con, Đoàn Thức.
(...)

Xin tìm đọc Truyển Tập Truyện Ngắn trên Amazon
Câu Chuyện một Dòng Sông